Bất động sản đáp ứng xu hướng tăng trưởng xanh
Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhấn mạnh: "Các tòa nhà cao tầng thường có lượng khí thải lớn nên hầu hết dự án phát triển gần đây đòi hỏi phải có chứng chỉ ESG hay đáp ứng tiêu chuẩn của ESG.”
Các chuyên gia nhận định lĩnh vực xây dựng, bất động sản là nguyên nhân phát thải của gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với một số lĩnh vực khác.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, cần có sự tham gia và thay đổi tích cực của các doanh nghiệp bất động sản.
Công ty Savills dẫn chứng Báo cáo Global Status Report for Buildings and Construction 2021 cho thấy năm 2020, ngành xây dựng và bất động sản chiếm đến 36% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu và là nguyên nhân của 37% tổng lượng phát thải CO2 liên quan đến sử dụng năng lượng.
Đặc biệt, trong tổng lượng khí thải đó, các hoạt động vận hành tòa nhà là nguyên nhân của 27% tổng lượng phát thải CO2 hàng năm.
Đánh giá về vấn đề này, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam khẳng định bất động sản là lĩnh vực có những tác động mạnh mẽ nhất về khía cạnh môi trường trong ESG (môi trường-xã hội-quản trị).
“Mọi doanh nghiệp niêm yết tại thị trường Việt Nam ở bất kỳ sở giao dịch chứng khoán nào, dù là HNX hoặc HOSE, đều phải có báo cáo bắt buộc về ESG. Các tòa nhà cao tầng thường có lượng khí thải lớn, do đó hầu hết dự án phát triển gần đây đòi hỏi phải có chứng chỉ ESG hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn của ESG,” ông Troy Griffiths cho hay.
Hiện nhiều công trình, tòa nhà mới đều được phát triển với đầy đủ điều kiện nhận chứng chỉ xanh hoặc ESG, bao gồm cả các dự án khu công nghiệp. Các dự án phát triển mới đều cần phải đáp ứng những chỉ tiêu và mức độ cần có của ESG để tăng tính cạnh tranh. Do đó, nhu cầu dự án bất động sản xanh tăng vọt.
Cuối năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Chiến lược này đề ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
[Tháo gỡ "nút thắt" về xử lý nhà đất trong quá trình cổ phần hóa]
Theo báo cáo của Savills, nhu cầu về công trình nhà xanh ở các thành phố lớn trên thế giới tại Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng mạnh. Thậm chí, nguồn cung các dự án đạt tiêu chuẩn xanh trên thế giới cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu trên thị trường.
Riêng đối với phân khúc văn phòng, ông Paul Tostevin, Giám Đốc Savills World Research nhận định nhu cầu văn phòng công bố lượng khí thải carbon trong hoạt động tăng vọt. Tuy nhiên, theo phân tích, số lượng văn phòng đạt tiêu chuẩn xanh ở nhiều thành phố còn khá hạn chế.
“Đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư và phát triển bất động sản gia tăng mô hình này. Đặc biệt, trong bối cảnh khi các địa điểm trên đang đối mặt với quy định nghiêm ngặt của chính quyền thành phố trong mục tiêu tham vọng xanh,” ông Paul Tostevin nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Chris Cumming, Giám đốc Savills Earth của Savills cho rằng việc nâng cấp văn phòng trong tương lai được thúc đẩy bởi người thuê và nhà đầu tư. Thị trường đầu tư sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ với các công trình văn phòng có chứng nhận xanh và việc định giá rất quan trọng.
Những người thuê đang tìm kiếm một giải pháp mang tính bền vững, tránh phá dỡ các đặc điểm tích cực. Các thành phố với mục tiêu xanh ngày càng quan tâm đến tác động của carbon trong xây dựng và ưu tiên trang bị thêm những trang thiết bị hiện đại mới.
Tại Việt Nam, ông Troy Griffiths chia sẻ Savills Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo tăng trưởng xanh và theo đuổi các mục tiêu về ESG. Savills có đội ngũ lớn mạnh về ESG ở Hong Kong (Trung Quốc) và nhiều sáng kiến áp dụng trên khắp Việt Nam. Dù là trạm sạc xe điện, tiêu thụ và lọc điện, phân tích BIM hoặc tái chế đều được áp dụng.
Riêng về quản lý và vận hành các dự án bất động sản, Savills Việt Nam cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể đối với hơn 100 dự án do đơn vị này quản lý. Cụ thể là hoạt động quản lý tiết kiệm năng lượng điện, nước tại các tòa nhà.
Theo đó, bộ phận Quản lý Bất động sản của Savills Việt Nam xây dựng 3 nhóm giải pháp chính bao gồm vận hành và quản lý tiêu thụ năng lượng; bảo trì định kỳ các thiết bị và áp dụng các thiết bị công nghệ mới có hiệu suất năng lượng cao, chuyên gia này thông tin.
Với những giải pháp này, trong quý 1/2022, đã có 2 dự án do Savills Việt Nam quản lý giảm được mức độ tiêu thụ điện lên đến âm 250% trên cùng mức lấp đầy; 3 dự án giảm được mức độ tiêu thụ nước khoảng âm 200% trên cũng mức lấp đầy.
Cùng đó, Savills còn cố vấn cho nhiều đối tác triển khai các mục tiêu về bền vững trong phát triển dự án. Trong suốt những năm gần đây, Savills vẫn luôn hướng tới áp dụng Thang điểm về phát triển bền vững trong xây dựng bất động sản (GRESB) và Tiêu chuẩn giảm tối đa việc sử dụng năng lượng (MEES) trong tất cả các tòa nhà do đơn vị này quản lý trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tòa nhà đáp ứng đủ các yêu cầu về ESG khả năng thu hút cư dân và nhà đầu tư sẽ cao hơn; đồng thời, gia tăng tính cạnh tranh của bất động sản, Savills nhận định./.