Chứng khoán trên thị trường châu Á hầu hết đi lên trong chiều 23/6
Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu làn sóng tăng tại châu Á trong phiên này, với các chỉ số chính đều đi lên nhờ nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng giá.
Các thị trường châu Á hầu hết tăng trong chiều 23/6 nhờ hoạt động mua vào giá thấp sau phiên giao dịch ngày hôm trước, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thừa nhận nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vì lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát.
Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu làn sóng tăng tại châu Á trong phiên này, với các chỉ số chính đều đi lên nhờ nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng giá.
Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp nhằm thúc đẩy sự phát triển "lành mạnh" của lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), qua đó làm tăng thêm tâm lý lạc quan rằng việc siết chặt quản lý đối với ngành này có thể sắp chấm dứt.
[Chứng khoán Việt Nam ngày 22/6: Cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá]
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 1,26% (265,53 điểm) lên 21.273,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tiến 1,62% (52,95 điểm) lên 3.320,15 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản phiên này đóng cửa đi ngang, khi các nhà đầu tư chú ý đến dấu hiệu tăng trưởng các hoạt động kinh tế ở Nhật Bản sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19. Chỉ số Nikkei 225 kết thúc phiên này tăng 0,08% (21,70 điểm) lên 26.171,25 điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc giảm trở lại vào thứ Năm khi các nhà đầu tư thận trọng tránh các tài sản nhiều rủi ro.
Chỉ số Kospi phiên này giảm 1,22% (28,49 điểm) xuống mức thấp nhất trong 19 tháng là 2.314,32 điểm.
Các thị trường khác như Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok và Wellington cũng tăng cao hơn, nhưng Manila và Jakarta đều rơi xuống vùng giảm.
Giá cả tăng vọt và các nỗ lực kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn đã khiến các sàn giao dịch toàn cầu chao đảo trong năm nay.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang phải đối phó với những bất ổn liên quan tới tình hình xung đột tại Ukraine và sự phục hồi không đồng đều của kinh tế toàn cầu sau dịch COVID-19.
Các nhà bình luận đã cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới đang tiến tới một đợt suy thoái khác, do chi phí đi vay tăng mạnh và lạm phát leo thang tới mức cao hàng thập kỷ ở một số quốc gia.
Đến ngày 22/6, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, ông Jerome Powell đã củng cố cơ sở cho lo ngại đó khi nói với các nhà lập pháp rằng đó là một khả năng có thể xảy ra.
Trong khi khẳng định nền kinh tế đủ mạnh để chịu đựng lãi suất tăng, ông thành thật chia sẻ rằng các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới vào thời gian gần đây đã khiến Fed khó đạt được các mục tiêu mong muốn: lạm phát xuống còn 2% và thị trường lao động mạnh mẽ.
Ông cũng cảnh báo tình hình lạm phát rõ ràng đã gây bất ngờ trong năm qua, và sẽ còn những bất ngờ khác có thể sẽ xảy ra.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, chỉ số VN-Index tăng 19,61 điểm (1,68%) lên 1.188,88 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 7,79 điểm (2,89%) lên 277,18 điểm./.