Bảo đảm quyền và lợi ích cho người có đất thu hồi, giảm khiếu kiện
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH nêu rõ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tính toán, xác định mức bồi thường cho người có đất thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân.
Nội dung về thu hồi, trưng dụng đất nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
[Đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất]
Dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.
Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 77.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Việc quy định như dự thảo Luật nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao trách nhiệm địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù khi chưa có sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ tiêu chí về sự cần thiết đối với các trường hợp thu hồi đất để làm công trình văn hóa, thể thao, cơ sở an dưỡng, nghỉ dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân do các công trình này có thể vừa phục vụ cả quốc phòng và dân dụng theo quy định tại Điều 74, dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất: Cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật như Chính phủ đã trình; đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng.
Loại ý kiến thứ hai: Cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo Luật, chưa bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ hai.
Đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.
Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức bồi thường, quy định về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc.
Đồng thời, bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi. Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.
Cơ quan thẩm tra yêu cầu tiếp tục rà soát để quy định thống nhất theo hướng “bồi thường” bao gồm các khoản Nhà nước phải chi trả để bù đắp cho thiệt hại cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất; “hỗ trợ” là những khoản mà Nhà nước chi trả thêm để hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất; rà soát, bổ sung quy định về các khoản thiệt hại mà Nhà nước phải chi trả như: chi phí tháo dỡ công trình, thiệt hại do phải ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng kinh doanh, chi phí khác liên quan để gửi, giữ tài sản do phải di dời cơ sở kinh doanh./.