Khắc phục việc phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công thấp
Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, tình trạng lãng phí còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công.
Theo chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 11/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Về quản lý nợ công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược nợ công đến năm 2030 và phê duyệt các công cụ quản lý nợ công chủ động làm cơ sở điều hành công tác quản lý nợ năm 2022 và định hướng trong các năm tiếp theo; chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ công.
Tính đến hết năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam bằng khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021). Cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như: thành phố Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...
Ngoài ra, trong năm 2022, ngân sách Nhà nước đã ưu tiên bố trí 8.620 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
[Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15% kế hoạch năm]
Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số…
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Nhận thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương được nâng lên.
Tuy nhiên, báo cáo chưa có đánh giá, phân tích và mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo…
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong năm 2022, Quốc hội đã có chuyên đề giám sát về tiết kiệm chống lãng phí, đã ban hành các Nghị quyết về vấn đề này; đồng thời đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đánh giá kết quả làm được so với mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng mặc dù năm 2022 do tác động của đại dịch COVID-19, tình hình xung đột địa chính trị đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân có nhiều chuyển biến là tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng lãng phí còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công. Gần đây, nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong báo cáo đánh giá mức độ lãng phí đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện đang vướng cả về cơ chế lồng ghép, nguyên tắc lồng ghép, phân cấp, phân quyền…
Báo cáo cũng cần được hoàn thiện, bám sát các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, các hội nghị của lãnh đạo chủ chốt về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó nêu rõ ưu điểm, tồn tại, đề xuất giải pháp trong năm tới.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết để đánh giá khách quan việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2022 thì cần có kết quả kiểm toán, báo cáo này sẽ được gửi tới Quốc hội khi hoàn thành.
Cơ bản đồng tình với các báo cáo đã trình bày, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng sau chuyên đề giám sát, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được chú trọng hơn, có kết quả khả quan hơn.
Cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc chưa được khơi thông, cần đánh giá kỹ "điểm nghẽn" để bổ sung trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn phân cấp ngân sách, hiện nay chúng ta thực hiện lồng ghép ngân sách, bố trí nhiều nguồn cho cùng một mục tiêu, cùng một nhiệm vụ, nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ để thực hiện có hiệu quả.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.../.