Bà Rịa-Vũng Tàu: Sức mua ảm đạm tại nhiều nhà vườn trồng lan
Mặc dù, hơn 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thế nhưng sức mua chậm và không khí mua sắm lan ảm đạm chưa từng có khiến nhiều nhà vườn nguy cơ thất thu.
Hiện nay, các vườn lan trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vào mùa cao điểm bán hàng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng sức mua chậm và không khí mua sắm lan ảm đạm chưa từng có khiến nhiều nhà vườn nguy cơ thất thu.
Mặc dù, hơn 20 ngày nữa là Tết Nguyên đán 2024 thế nhưng vườn lan của gia đình anh Cao Quốc Nhân, thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trong cảnh “đìu hiu.”
Anh Nhân chia sẻ năm nay gia đình trồng 50.000 chậu lan ngọc điểm, nếu như mọi năm lan ngọc điểm vào vụ Tết bán rất chạy, nhất là thị trường các tỉnh phía Bắc, mỗi vụ Tết trước đây gia đình cung cấp ra thị trường từ 35.000-40.000 cây, lợi nhuận đạt khoảng trên 400 triệu đồng. Năm nay, anh mới chỉ bán được vài nghìn cây, đơn hàng giảm hơn 50% so với thời điểm năm ngoái.
Cùng đó, năm nay do chất lượng cây giống không được đảm bảo khiến hàng loạt cây lan ngọc điểm của gia đình anh bị chết, thối thân, số lượng lên tới khoảng 40%. Không những thế, giá lan ngọc điểm năm nay cũng đang giảm mạnh.
Cụ thể, nếu như lan ngọc điểm năm ngoái bán giá 300.000 đồng/cây, năm nay chỉ bán được 120.000 đồng/cây, loại 400.000 đồng/cây năm nay vẫn "ế" chưa bán được. “Năm nay đơn hàng cũng như giá đều giảm mạnh, khó tiêu thụ, hàng loạt cây lan bị chết khiến tôi lâm vào cảnh thua lỗ nặng. Hiện, tôi đã đầu tư vào vườn lan khoảng hơn 1,5 tỷ nhưng thu về không đáng là bao,” anh Nhân chia sẻ.
Còn tại vườn của anh Phạm Thành Tài, ngụ thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ có hơn 30.000 chậu lan Dendro để bán quanh năm, nhưng đến nay anh mới chỉ bán được khoảng 7.000 chậu, trong số đó 50% là số lan bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Dù Tết Nguyên đán đã cận kề, nhưng không khí mua lan tại vườn của anh Tài hiện khá ảm đạm, điều này khiến anh không khỏi lo ngại về đầu ra của những chậu hoa lan. Theo anh Tài, sức mua lan chơi vào dịp Tết Nguyên đán năm nay rất chậm, dù giá vẫn giữ như năm ngoái không tăng.
Tương tự, sức mua thời điểm này tại vườn lan của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh, ngụ xã An Nhứt, huyện Long Điền, tiêu thụ rất chậm. Hiện ông Thanh đang trồng 3.500 chậu lan ngọc điểm và 300 chậu Dendro để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, vườn lan của ông cũng chỉ tiêu thụ theo kiểu cầm chừng cho khách lẻ, không có đại lý lớn đặt hàng nhiều như mọi năm.
Mặc dù phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, công đầu tư, chăm sóc cũng tăng, nhưng ông Thanh vẫn giữ nguyên giá bán các chậu lan, thậm chí có loại giảm khoảng 20.000-30.000 đồng/chậu.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh cũng cho biết thêm năm nay thời tiết để vườn lan phát triển cũng không mấy thuận lợi, thất thường nên hoa lan trổ bông không đều, có cây lại ra hoa sớm, thậm chí có cây vẫn chưa ra hoa. Lan là loại lại dễ bị sâu bệnh tấn công, tỷ lệ hao hụt cây tăng cao khiến nhà vườn rơi vào cảnh nguy cơ thất thu.
Hiện nay Tết Nguyên đán đã cận kề, nhiều nhà vườn trồng lan cho biết để có được những giò hoa lan nở đúng dịp Tết mất tới cả năm chăm sóc, chi phí rất tốn kém, nhưng đến thời điểm này sức mua quá chậm, trong khi đó giá lan không tăng, chi phí đầu tư, chăm sóc cho vườn lan tăng cao, dự báo một năm thua lỗ của nhiều nhà vườn trồng lan.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có khoảng 100 hộ trồng hoa lan. Vụ Tết là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức tiêu thụ chậm; trong khi giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, nhân công, vật tư đầu vào... tăng hơn so với mọi năm, vì vậy người trồng lan đã khó càng thêm khó./.