Nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Campuchia
Đại diện khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan tình hình thực tiễn hoạt động kinh doanh và kinh nghiệm đầu tư tại địa bàn Campuchia.
Chiều 16/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức “Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia năm 2024.”
Hội nghị thu hút gần 100 đại biểu đại diện khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt tham dự, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan tình hình thực tiễn hoạt động kinh doanh và kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại địa bàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Hội nghị là diễn đàn nhằm phổ biến kịp thời thông tin cập nhật về tình hình Campuchia trên các lĩnh vực, cũng như quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trong năm 2023 và dự báo tình hình trong năm 2024.
Trên tinh thần đó, trong phát biểu đề dẫn tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đề nghị các đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn trình bày những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh tại Campuchia; đồng thời nêu những kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng của Chính phủ cả phía Campuchia và Việt Nam.
Những kiến nghị, đề xuất sẽ được Đại sứ quán và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) tập hợp để làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, cũng như báo cáo về nước để các bộ, ngành của Việt Nam xem xét, giải quyết.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã cung cấp thông tin, giới thiệu tổng thể bối cảnh tình hình Campuchia, quan hệ Việt Nam-Campuchia trên các lĩnh vực trong năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong năm 2023, với nỗ lực của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, nền kinh tế nước này tiếp tục xu hướng phục hồi và tăng trưởng, được các thể chế tài chính quốc tế và khu vực đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo ông Tuấn Nguyên Tiến, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, phát huy đà hồi phục và phát triển kinh tế trong năm 2023, bước sang năm 2024, dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, trở thành một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế ở khu vực ASEAN.
Với chính khách điều hành linh hoạt ưu tiên ngoại giao kinh tế, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế với các nước lớn và khối ASEAN, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực bên ngoài như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và du khách quốc tế..., dự báo kinh tế Campuchia năm 2024 sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Hướng tới mục tiêu thu hút FDI dự kiến đạt trên 6 tỷ USD trong năm 2024, Campuchia tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như chế biến hàng nông sản, công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, năng lượng sạch, du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Trong khuôn khổ chương trình, hội nghị đã ghi nhận hàng chục ý kiến phát biểu của lãnh đạo các doanh nghiệp, giới thiệu kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp hỗ trợ hoạt động chuẩn bị đầu tư, cũng như trong quá trình đầu tư kinh doanh tại địa bàn.
Hầu hết đại biểu đều bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn cần chung tay xây dựng một tổ chức hiệp hội doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và đủ mạnh để tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Campuchia, đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển của đất nước sở tại, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương cũng như cộng đồng người gốc Việt.
Trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gia qua; đồng thời bày tỏ tin tưởng trong năm 2024 này, với đà phục hồi, phát triển mạnh của nền kinh tế Campuchia và Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một năm Giáp Thìn 2024 kinh doanh, đầu tư thành công tại Campuchia, địa bàn còn nhiều dư địa đầu tư phát triển và mở rộng kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VII có chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế, chú trọng thu hút đầu tư, phát triển đất nước gắn với nhiều cải cách về cơ chế chính sách và công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Đại sứ Việt Nam đề nghị Ban chấp hành lâm thời VBCC khẩn trương hoàn thành quy trình thủ tục thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Campuchia-Việt Nam (VCBA) có đầy đủ tư cách pháp nhân theo quy định, trở thành đầu mối kết nối và là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn; đồng thời lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số theo kịp yêu cầu thời đại, cũng như tăng cường hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, hỗ trợ nhau cùng phát triển trên cơ sở thấu hiểu triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”...
Trong khuôn khổ “Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia năm 2024,” Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã triển khai quán triệt những định hướng lớn về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 21, diễn ra từ ngày 19-23/12 vừa qua tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Oknha Leng Rithy, Chủ tịch lâm thời VBCC cũng đã giới thiệu những định hướng lớn trong chương trình hoạt động trong năm 2024, cũng như tiến độ thực hiện các quy trình thủ tục thành lập VCBA, nhằm hỗ trợ tốt hơn hoạt động chuẩn bị đầu tư, cũng như quá trình đầu tư, kinh doanh của các doang nghiệp Việt Nam tại thị trường Campuchia trong thời gian tới./.