Áp lực gia tăng, ngân hàng tiếp tục chạy đua tăng vốn cuối năm

Hàng loạt nhà băng công bố sẽ tăng vốn điều lệ trong bối cảnh sau khi khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được phê duyệt.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ khủng. (Ảnh: Vietnam+)

Hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ cũng như có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Động thái này không những giúp bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn cho hoạt động kinh doanh mà còn giúp cải thiện chất lượng, sức khỏe tài chính cho các ngân hàng.

Nhiều xáo trộn trên "bảng tổng sắp" vốn điều lệ

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472,5 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm: 458,25 triệu cổ phiếu thưởng phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% so với vốn điều lệ hiện tại; 14,25 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động (ESOP). Tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.725 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.

[Đến năm 2025: Giảm số lượng tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng yếu kém]

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hiện vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt 67.433 tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Thậm chí, theo kế hoạch, đến đợt 2 của việc tăng vốn, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 79.334 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành được kế hoạch tăng vốn đã đặt ra, vốn điều lệ của VPBank dự kiến sẽ ở mức lớn nhất trong hệ thống, vượt qua ba ông lớn quốc doanh khác đang niêm yết lần lượt là BIDV, VietinBank và Vietcombank. Ba “ông lớn” này hiện cũng đang chịu áp lực khi MB sẽ đuổi theo sát ngay sau khi tăng vốn.

Cụ thể, MB đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MB dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng..

Trong khi đó, thông tin từ phía ngân hàng SHB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng, sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Như vậy, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm gần 36,7%, sau lần tăng 38,4% trước đó.

Theo đó, ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, bao gồm 3 phần là chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 15%), chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20% với giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu) và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động SHB với tổng số lượng cổ phiếu phát hành là 45,12 triệu cổ phiếu mới.

Cũng trong tháng Tám, hàng loạt ngân hàng như HDBank, Kienlongbank, SeABank, Techcombank, ACB, VietCapital Bank, OCB… cũng đã được Ngân hàng Nhà nước “gật đầu” chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Các phương án tăng phổ biến là chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Ước tính từ đầu năm đến nay, đã có trên 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn với khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ khủng. (Ảnh: Vietnam+)

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, trong năm 2022, BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng…

Áp lực bủa vây

Theo các chuyên gia tài chính, các phương án tăng vốn sẽ được hoàn thành thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài… và đã diễn ra từ nhiều năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc tăng vốn ngày càng mạnh mẽ khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được công bố.

Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ - trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Mặt khác, các kế hoạch tăng vốn là cần thiết để giúp ngân hàng gia tăng tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ nền kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn 2022-2023, Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế sẽ đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Thống kê của Fiin Research, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước trong khu vực và có dấu hiệu suy giảm.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ CAR giảm, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng một phần là do các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel 2, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro chặt chẽ hơn đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn. Quy mô vốn chủ sở hữu của 29 ngân hàng được quan sát đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019-2021, từ mức 21% năm 2019 xuống 10% năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn này vẫn duy trì ở mức 14%, nên vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung và dài hạn. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, chuyên gia Công ty chứng khoán SSI lại kỳ vọng kế hoạch tăng vốn sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng và nhận định tăng vốn thành công cũng sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng, điều mà các ngân hàng đang rất mong chờ./.

Thúy Hà (Vietnam+)