Nga thu về giá trị gần 160 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng

EU là khách hàng nhập khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nhiên liệu Nga, với giá trị 85,1 tỷ euro, tiếp theo là Trung Quốc (34,9 tỷ euro) và Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro).

Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 6/9, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan cho biết trong sáu tháng sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Nga đã thu về 158 tỷ euro (khoảng 158 tỷ USD) từ xuất khẩu năng lượng trong đó Liên minh châu Âu (EU) đóng góp hơn một nửa.

Theo CREA, xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá dầu, khí đốt và than đá tăng vọt. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, dù khối lượng xuất khẩu năm nay giảm.

Trước tình hình này, CREA kêu gọi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn.

Gần đây, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục khi Nga cắt giảm nguồn cung. Giá dầu thô dù đã giảm trở lại, song vẫn ở mức cao so với năm trước.

[Nga tuyên bố sẽ không xuất khẩu dầu mỏ nếu mức giá trần thấp]

CREA cho biết xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đóng góp khoảng 43 tỷ euro cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Trong sáu tháng kể từ ngày 24/2, CREA ước tính EU là khách hàng nhập khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nhiên liệu Nga, với giá trị 85,1 tỷ euro, tiếp theo là Trung Quốc (34,9 tỷ euro) và Thổ Nhĩ Kỳ (10,7 tỷ euro).

EU đã ngừng mua than của Nga, nhưng khối này chỉ đang từng bước cấm nhập khẩu dầu Nga và chưa áp dụng bất kỳ giới hạn nào đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

CREA cho hay sau khi lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU có hiệu lực, xuất khẩu than của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột với Ukraine bùng phát.

CREA kêu gọi phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với đến xuất khẩu dầu của Nga, đồng thời thúc giục EU và Anh sử dụng đòn bẩy của họ trong lĩnh vực vận chuyển toàn cầu.

Theo CREA, EU phải cấm sử dụng các tàu và cảng của châu Âu để vận chuyển dầu Nga đến các nước thứ ba, trong khi Anh cần ngừng cho phép ngành bảo hiểm của Anh tham gia vào các giao dịch thương mại trong lĩnh vực này.

Ngày 2/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga. Theo đó, dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu so với giá thị trường hiện hành, nhằm hạn chế lợi nhuận của xứ Bạch dương.

Tuy nhiên, mức giá chiết khấu vẫn cao hơn chi phí sản xuất để đảm bảo sự khuyến khích đối với hoạt động xuất khẩu. Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, tỷ lệ chiết khấu, tính riêng đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, có thể được điều chỉnh thường xuyên./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)