“Anh hùng mìn gạt” vùng đất thép Củ Chi: Người "bước ra" từ trang sử hào hùng

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực được mệnh danh là “Anh hùng mìn gạt” hay “Cỗ máy phá tăng” vì những sáng kiến chế tạo mìn tiêu diệt xe tăng địch năm xưa ở vùng đất thép Củ Chi.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực chia sẻ với thanh niên Thông tấn xã Việt Nam tại cuộc giao lưu chiều qua, 21/4, tại Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Những ngày cuối tháng Tư thực sự đặc biệt đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực (người được mệnh danh là “Anh hùng mìn gạt” hay “Cỗ máy phá tăng” vì những sáng kiến chế tạo mìn tiêu diệt xe tăng địch năm xưa ở vùng đất thép Củ Chi trong thời kỳ chống Mỹ). Câu chuyện “mìn gạt phá tăng” của ông Đực nghe như huyền thoại, nhưng đó chính là sự thực lịch sử về sức mạnh và trí tuệ của người dân Việt Nam.

Ở tuổi ngoài bát tuần, chiều hôm qua, 21/4, người lính già​ đầu bạc trong bộ quân phục giản dị, dù bước đi chậm rãi vì “trái gió, trở trời” vẫn tự hào bước vào Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, để giao lưu với gần trăm thanh niên Thông tấn xã Việt Nam về cuộc chiến đấu của mình và đồng đội được tái hiện trong “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - bộ phim điện ảnh lịch sử chiến tranh mới ra mắt đầu tháng 4/2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước.

Ký ức đạn bom vẫn còn vẹn nguyên

- Thưa Anh hùng Tô Văn Đực, phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” được Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà đầu tư dành rất nhiều công sức trong suốt 11 năm để tái hiện câu chuyện của chính thế hệ ông ngày xưa. Khi xem lại bộ phim về cuộc chiến đấu của mình và đồng đội, cảm xúc của ông thế nào?

Anh hùng Tô Văn Đực: Trong những ngày tháng Tư lịch sử, đặc biệt là sau khi xem bộ phim Địa đạo, tôi rất xúc động, bởi những ký của một thời đạn bom vẫn luôn thường trực trong tâm trí tôi. Dẫu rằng nhiều người đi lính, tham gia cách mạng cùng tôi lúc bấy giờ đã hy sinh, đã mất, nhưng ký ức về họ trong tôi vẫn vẹn nguyên.

Với “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối,” dù phim mới chỉ khắc họa được một phần “lát cắt” câu chuyện, một phần hình ảnh của lịch sử, song đã thể hiện được tinh thần chiến đấu chống Mỹ của người dân Củ Chi thời bấy giờ.

Những câu chuyện, hình ảnh được tái hiện trong phim là minh chứng cho ý chí, sức mạnh và trí tuệ của người dân ở vùng đất địa đạo Củ Chi.

- Trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối,” nhân vật Tư Đạp (nguyên mẫu từ chính ông) được khắc họa là một chiến sĩ công binh rất mưu trí, chuyên chế tạo vũ khí hỗ trợ đội du kích. Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình khi lần đầu nhìn thấy hình ảnh chú “Tư Đạp” ra mắt công chúng?

Anh hùng Tô Văn Đực: Nói về hoạt cảnh nhân vật Tư Đạp trong phim, tôi thấy diễn viên Quang Tuấn thể hiện rất đạt.

Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam chụp ảnh cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực và đại diện đoàn làm phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối." (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trước khi làm phim, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có nhờ tôi cố vấn cách đào địa đạo, cách chế tạo mìn gạt và tư vấn thêm những chi tiết về chiến tranh. Vì vậy, hình ảnh chú Tư Đạp trong phim lúc gỡ bom, lấy thuốc, chế mìn rồi đi đặt mìn, đúng như công việc hồi xưa tôi đã làm. Nhưng nói thiệt, phim chỉ thể hiện một phần thôi, thời đó chiến tranh ác liệt và dữ dội hơn nhiều.

“Anh hùng mìn gạt” với kỳ tích phá xe tăng

- Quả thực, rất nhiều người xem đặc biệt ấn tượng với “tuyệt chiêu” đặt mìn hạ xe tăng địch trong địa đạo. Ông cũng chính là người thật ngoài đời từng được đồng đội gọi là “cỗ máy phá tăng” lừng danh. Vậy câu chuyện phía sau biệt danh đó như thế nào? Ông có thể kể lại để các bạn trẻ ở đây hiểu rõ hơn?

Anh hùng Tô Văn Đực: Tháng 2/1962, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi được tham gia chiến đấu đánh đuổi đế quốc xâm lược, đã gia nhập vào đội ngũ dân quân du kích xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

Với sở thích tìm tòi về cơ khí, tôi được tổ chức phân công phụ trách công xưởng của địa phương với nhiệm vụ chính là sửa chữa những vũ khí hỏng hóc trong quá trình chiến đấu. Nói là công xưởng, nhưng thực chất chỉ là cái lò rèn cũ của địa phương, đồ đạc máy móc chẳng có gì ngoài dụng cụ thổi lò đơn sơ và mấy cái dũa.

Trước khó khăn đó, tôi đã mày mò tìm hiểu các thứ vũ khí mà anh em thu lượm về, sau đó cải tiến từ súng ngựa trời bắn tầm gần đến súng trường bắn tầm xa cho du kích chiến đấu. Rồi tôi sáng tạo khẩu súng ngắn K54 nâng cấp từ 8 viên lên 14 viên.

Dù vậy, vào năm 1966, xe tăng càn quét vùng Củ Chi dữ lắm, trong khi mình toàn súng thô sơ, nhất là du kích làm gì có B40 để chống lại xe tăng. Vì vậy, sau khi được một công binh cho mượn 2 quả mìn cán, tôi đã đem đặt ngay “lỗ châu mai” cách khoảng 50 mét, xe tăng cán lên thì mìn nổ.

Thấy tính năng của mìn rất hiệu quả, nên tôi lại nhặt đem về nghiên cứu và sản xuất mìn cán nhằm chặn bước tiến của xe tăng địch.

Trong loạt bom địch thả xuống lúc bấy giờ, có rất nhiều trái bom không nổ. Có những quả rất to. Cứ thế, ban ngày, tôi đi nhặt bom không nổ về cưa ra. Tôi nói anh em tránh ra hết, để một mình tôi xuống coi trái bom thôi.

Rồi tôi nghiên cứu cách cưa bom, lấy thuốc nổ từ những quả bom của địch và chế ra loại mìn gạt. Thật đáng mừng là những quả mìn gạt mới do tôi tự chế hồi đó hiệu quả hơn mìn cán, bởi với mìn gạt thì chỉ cần xe tăng hay quân địch đi ngang, vướng dây gạt cần là mìn sẽ tự kích pháo nổ ngay.

Thành công, tôi phổ biến cho mọi người cách làm, lấy thuốc từ những quả bom xịt về làm thuốc súng, chế thành mìn, lựu đạn...

Cứ thế, số lượng vũ khí do tôi chế tạo liên tiếp được nhân lên. Gần 5.000 xe tăng Mỹ bị phá hủy trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất ở Củ Chi hầu hết đều từ thứ vũ khí là mìn gạt tự chế đó. Cũng bởi thế, nhiều người vẫn hay gọi tôi với biệt danh “Anh hùng mìn gạt.”

Với những thành tích vượt trội trong việc chế tạo vũ khí công phá xe tăng hiệu quả, năm 21 tuổi, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến hào địa đạo Củ Chi. Tiếp đó, tôi đã vinh dự được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tại buổi giao lưu giữa Liên Chi đoàn Thông tấn xã Việt Nam và đoàn làm phim "Địa đạo," vào chiều 21/4, ông Đực hy vọng các thế hệ trẻ sẽ hiểu được sự kiên cường của các cô chú du kích thời xưa, thấy được tinh thần chiến đấu bất khuất của cha ông ta trong công cuộc chống Mỹ bảo vệ đất nước.

- Trải qua năm tháng chiến tranh hào hùng, với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, giờ đây giữa thời bình - khi xem lại cuộc chiến đấu của mình và đồng đội được tái hiện trong phim, ông có muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ?

Anh hùng Tô Văn Đực: Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, tôi vẫn luôn thiết tha yêu cuộc sống, vẫn khắc nhớ những năm tháng hào hùng của cách mạng ở vùng đại đạo Củ Chi.

Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về một thời máu lửa của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Thông qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối,” tôi hy vọng các thế hệ trẻ sẽ hiểu được sự kiên cường của các cô chú du kích thời xưa, thấy được tinh thần chiến đấu bất khuất của cha ông ta trong công cuộc chống Mỹ bảo vệ đất nước. Những câu chuyện của người bước ra từ cuộc chiến luôn chân thực. Nhìn lại quá khứ, cũng là cách để trân quý những gì hiện có.

- Trân trọng cảm ơn Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực./.