Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản

Ngày 22/3, tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo đã phát biểu định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm nay, góp phần thực hiện nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phan Xuân Thuỷ ghi nhận, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm.

Công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản được tăng cường và có nhiều đổi mới; đã kịp thời tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định quan trọng của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đổi mới tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản.

Công tác xây dựng, triển khai kế hoạch đề tài bám sát yêu cầu, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước. Các nhà xuất bản tổ chức được nhiều ấn phẩm giá trị có chủ đề chuyên sâu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, khẳng định vị thế, thương hiệu của nhà xuất bản; phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của đất nước như: Việc thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống và các nghị quyết Hội nghị Trung ương, các chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các ấn phẩm phục vụ các ngày lễ kỷ niệm.

Hiệu quả kinh tế ngành được duy trì, ổn định, có nhiều điểm sáng tích cực. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của Ngành. Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển bứt phá, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản.

Về phía các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản cần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2024, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, quản lý chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm. Tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ các nhiệm vụ chính trị được giao.

Các nhà xuất bản cần quan tâm, chú trọng tới công tác cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản về lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá; đóng góp hiệu quả vào việc đưa ngành xuất bản phát triển, hiện đại, theo kịp sự phát triển của thế giới.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần tích cực, chủ động triển khai và tham gia hiệu quả vào các hoạt động về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và Giải thưởng Sách Quốc gia hằng năm, góp phần lan tỏa, đưa các hoạt động trên thực sự trở thành sự kiện văn hóa nổi bật. Tăng cường mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền./.