Thái Bình: phát huy dân chủ để khơi dậy sức mạnh Nhân dân
Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là động lực để khơi dậy sức mạnh nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối đường ĐH.66B với đường T45 và đường ĐT.468 đoạn từ UBND xã Thái Hưng (Hưng Hà) qua thôn Tống Xuyên khi triển khai xây dựng sẽ thu hồi trên 1.300m2 đất trong khu dân cư của 37 hộ dân và trên 5.800m2 đất trồng lúa của 66 hộ dân. Mặc dù đến nay dự án chưa khởi công song tất cả các hộ dân đều đã tự nguyện phá dỡ tường bao, cổng dậu, nhà ở, cây xanh để bàn giao mặt bằng. Theo ông Tống Xuân Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hưng: Cấp ủy, chính quyền xã luôn coi trọng việc phát huy dân chủ, xem đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân đều được chúng tôi công khai theo đúng quy định. Khi người dân đã được biết, được bàn, được tham gia ý kiến thì lúc triển khai thực hiện hầu hết mọi người đều đồng thuận.
Cùng với xã Thái Hưng, thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc công khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Các nội dung được công khai bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống truyền thanh, qua các kỳ họp HĐND, UBND, niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, qua tiếp xúc cử tri, các tổ chức đoàn thể để thông báo trực tiếp cho nhân dân. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức cho người dân bàn và quyết định đối với những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Các xã, phường, thị trấn cũng đã tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp giám sát hoặc giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc; 100% xã, phường, thị trấn đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã khơi dậy sức mạnh trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thái Bình có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã hoàn thành 11/11 tiêu chí. Đời sống của người dân vì vậy không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đây cũng là thành quả người dân được thụ hưởng nhờ phát huy dân chủ mang lại./.