“Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở Kiến Xương

Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy và hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Xã Lê Lợi (Kiến Xương) có trên 400 cơ sở sản xuất với gần 2.500 lao động thường xuyên làm nghề chạm bạc.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ Hợp Thành, xã Lê Lợi cho biết: Tôi duy trì làm nghề chạm bạc đã hơn 20 năm, bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất ra hàng nghìn sản phẩm: tranh, đồ thờ, phù điêu, các công trình đền, chùa. Các sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục được khách hàng nước ngoài đến đặt hàng với số lượng lớn. Vì thế cơ sở luôn nhộn nhịp, tiếng búa, tiếng đục chưa bao giờ ngừng, người lao động không bao giờ hết việc làm. Tính bình quân mỗi năm cơ sở đạt doanh thu từ 20 - 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 70 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Ca, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi cho biết: Để làng nghề luôn “giữ được lửa”, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng ủy xã luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở đăng ký mô hình dân vận khéo, chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương là việc làm cần thiết. Do đó, đến nay toàn xã có trên 400 cơ sở sản xuất với gần 2.500 lao động thường xuyên làm nghề chạm bạc. Từ nghề phụ trở thành nghề chính và đem lại thu nhập chính cho người dân. Tính bình quân mỗi năm giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 230 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất của xã, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Không chỉ ở Lê Lợi, mô hình “Dân vận khéo” còn xuất hiện ở nhiều đoàn thể trên địa bàn huyện. Bà Vũ Thị Thục, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Thắng cho biết: Là xã thuần nông nên hầu hết chị em ở địa phương đều làm nông nghiệp, đời sống thu nhập thấp, nhất là các chị ở độ tuổi trung niên. Do đó năm 2021, Hội đã phối hợp với chị Phan Thị Yên, thôn 5 tuyên truyền, vận động hội viên tham gia học nghề mây tre đan trong lúc nông nhàn. Với mô hình này, chị Yên đóng vai trò là đầu mối đảm nhận phần việc liên hệ với doanh nghiệp đưa nguyên liệu về cho chị em đan tại nhà và thu gom sản phẩm để chuyển cho doanh nghiệp. Như vậy chị em vừa làm được việc nhà, việc đồng, vừa không mất chi phí mà vẫn có thu nhập từ nghề phụ với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Công việc này đã thu hút khoảng 80 người trong và ngoài xã tham gia, góp phần nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ nông thôn.

Ở xã Quốc Tuấn, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận khéo đến nay nhiều nông dân đã hiểu hơn về tích tụ ruộng đất, thực hiện theo chủ trương của xã đề ra. Ông Trần Quang Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Sớm nhận biết nhiều hộ dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, diện tích bỏ hoang có nguy cơ ngày càng tăng, Hội đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong tích tụ ruộng đất, tuyên truyền, vận động những hội viên không cấy nhường ruộng lại cho một số hộ sản xuất tập trung quy mô lớn. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện song nhờ sự đồng thuận của người dân, Hội đã tích tụ được 3ha để giao cho 2 hội viên thực hiện mô hình. Đây là kết quả bước đầu trong việc hình thành mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao và các chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở xã.

Theo ông Nguyễn Văn Trân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kiến Xương, ngay từ đầu năm 2022, Ban Dân vận Huyện ủy đã yêu cầu các xã, thị trấn đăng ký các mô hình “Dân vận khéo” và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện mô hình. Với trên 200 mô hình đăng ký, Ban đã chọn gần 80 mô hình tiêu biểu về công tác dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, riêng về phát triển kinh tế có 23 mô hình. Đến nay, các mô hình đều hoạt động hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng lên. Các mô hình đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra./.