Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong Trường Chính trị và các trường phổ thông trên địa bàn Vĩnh Phúc
Chiều 4/3, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học về tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng địa phương trong Trường Chính trị và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 11/11/2002 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về một số nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, trong 10 năm qua, công tác giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhận thức của người dạy và người học được nâng lên, tài liệu dạy và học đã được biên soạn, có nhiều phương pháp giảng dạy sinh động. Giáo viên và học sinh trong tỉnh đều có chung một nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương. Công tác giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, ý chí vượt qua khó khăn vươn lên của người dân Vĩnh Phúc, từ đó tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đi vào nền nếp và hiệu quả, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đa dạng các hình thức tuyên truyền, công tác giáo dục lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn Trường Chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy xây dựng chương trình, lồng ghép nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy phù hợp với từng đối tượng.
Các đại biểu cũng đề nghị các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ, truyền thống cách mạng địa phương để đưa vào giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn; lồng ghép trong các bộ môn khoa học xã hội để giảng dạy lịch sử địa phương; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử cách mạng, nơi thành lập chi bộ, đảng bộ, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa quê hương cho các thế hệ học sinh./.