Quảng Ninh: Đổi mới toàn diện nội dung, phương thức công tác tư tưởng trên các lĩnh vực
Ngày 8/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh, góp phần cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”. Hội thảo đã gợi mở, đề xuất nhiều vấn đề đề về đổi mới tư duy, giải pháp thực tiễn cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trên tinh thần “toàn Đảng làm công tác tư tưởng”.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã đạt nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực vào xây dựng Đảng bộ thật sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước thời cơ lớn để bước vào kỷ nguyên phát triển mới, song cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức từ tình hình quốc tế, khu vực nhiều biến động khó lường, từ làn sóng công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, tư duy và hành vi của xã hội. Trong bối cảnh ấy, công tác tư tưởng càng phải khẳng định vai trò đi trước mở đường, định hướng và dẫn dắt nhận thức, tạo đồng thuận xã hội và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Hội thảo là dịp quan trọng để tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm, ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ thực tiễn, nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện Đề án, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh, góp phần cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”, cũng như văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng thời, Hội thảo cũng gợi mở nhiều vấn đề về đổi mới tư duy, đề xuất giải pháp thực tiễn thiết thực cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trên tinh thần “toàn Đảng làm công tác tư tưởng”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đi sâu phân tích, làm rõ những thách thức mới đặt ra đối với công tác tư tưởng trong thời đại chuyển đổi số, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và sự tác động đa chiều từ không gian mạng, từ truyền thông xã hội; những ảnh hưởng to lớn của vấn đề này đối với tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ;...

Hội thảo cũng làm rõ và chỉ ra công tác tư tưởng cần thực hiện theo hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa, tăng cường lắng nghe, chia sẻ, đối thoại. Nội dung công tác tư tưởng phải cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng, không phô trương, hình thức hay kêu gọi, hô hào chung chung. Công tác tư tưởng phải thường xuyên bám sát địa bàn, thực tiễn xã hội, giải quyết ngay những vấn đề tư tưởng nảy sinh, không để tích tụ thành “điểm nóng”, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các sự cố khủng hoảng truyền thông.
Từ đó, các đại biểu đề xuất, đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính thực tiễn nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương thức công tác tư tưởng trên tất cả các lĩnh vực theo hướng hiện đại kết hợp với truyền thống để phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của từng đối tượng, thành phần cụ thể trong xã hội. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò then chốt của công tác tư tưởng và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng bảo đảm đủ tâm, tầm, trí và bản lĩnh./.