Phát triển du lịch Thành phố Cần Thơ trong tình hình mới: Những bước tiến, thách thức và giải pháp

Trong dòng chảy năng động của kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, du lịch không chỉ là ngành dịch vụ đơn thuần mà đang trở thành một lĩnh vực chiến lược, mang lại giá trị tổng hợp về kinh tế, văn hóa và đối ngoại. Cần Thơ - “trái tim” của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với vị trí chiến lược, bản sắc văn hóa đặc trưng và tiềm năng thiên nhiên phong phú, đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm du lịch của khu vực.

“Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn Thành phố Cần Thơ.

Du lịch Cần Thơ trên đà tăng trưởng mạnh mẽ

Trong bối cảnh ngành du lịch được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xác định là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trên cơ sở đó, nhằm cụ thể hóa định hướng chiến lược tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, với mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thành phố, góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn của Trung ương Đảng.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội, sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng về phát triển du lịch được nâng lên và có sự chuyển biến tích cực. Từ đó, tạo được sự đồng thuận, nhất quán về quan điểm “Phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”; từng bước hình thành lối ứng xử văn minh lịch sự, chân thành, thân thiện, hiếu khách. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các khu dịch vụ du lịch cao cấp  trên địa bàn.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch luôn được Thành phố Cần Thơ chú trọng, giai đoạn 2022 - 2024, Thành phố đã tổ chức 35 lớp bồi dưỡng, 6 tập huấn du lịch cho 1.517 lao động trong ngành du lịch; 07 khóa đào tạo du lịch bền vững miễn phí cho nhân viên, người lao động đến từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, góp phần xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”. Ngành du lịch Cần Thơ còn mở rộng hợp tác đầu tư phát triển du lịch, tăng cường hoạt động liên kết phát triển du lịch với 19 tỉnh, thành phố trong nước, vì hiện nay đang khai thác phục vụ 07 đường bay nội địa, trung bình 11 - 12 chuyến bay/ngày (22 - 24 lần hạ, cất cánh).

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai mạnh mẽ qua các hội chợ trong và ngoài nước, mạng xã hội, video, website và ứng dụng du lịch thông minh. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử du lịch Thành phố Cần Thơ (tourismcantho.vn.) đang hoạt động bằng ba ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, trung bình có khoảng 4.500 lượt truy cập mỗi ngày, Cổng thông tin du lịch (canthotourism.vn.) và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động “Can Tho Tourism” đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về du lịch Cần Thơ của du khách, trung bình có khoảng 4.500 lượt truy cập mỗi ngày. Đồng thời, các hoạt động, sự kiện du lịch của địa phương được quảng bá thông qua các kênh: (1) Instagram “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism”; (2) Fanpage “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism” thu hút hơn 50.000 lượt thích và theo dõi; (3) Zalo “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism”; (4) YouTube “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism”; (5) Tiktok “Du lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism”. Ngoài ra, còn đẩy mạnh tuyên truyền trên sóng Truyền hình và Phát thanh với 480 lượt bài và 560 lượt tin, tổ chức chương trình Talkshow “Về Cần Thơ” phát sóng 02 kỳ/tháng và đã phát được 24 kỳ, Tiết mục Du lịch (thời lượng 03 - 04 phút) phát sóng vào thứ Sáu hàng tuần trong chương trình Thời sự 18h30; …

Cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, cơ sở hạ tầng du lịch thành phố được đầu tư đồng bộ, từ giao thông, cơ sở lưu trú, bến tàu du lịch, đến các khu nghỉ dưỡng và điểm tham quan. Trên địa bàn thành phố có 03 cảng du lịch, 76 bến đưa khách ngang sông, 163 phương tiện tàu du lịch, 03 du thuyền, 09 tàu ngủ đêm, 11 tàu cao tốc; vận tải hành khách công cộng bằng xe điện, … sự tồn tại đa dạng các loại hình dịch vụ đã thu hút du khách đến tham quan mua sắm, nghỉ dưỡng và thu hút đầu tư các loại hình thương mại dịch vụ. Trên địa bàn thành phố hiện có 638 cơ sở lưu trú du lịch, khoảng 11.000 phòng, 83 doanh nghiệp lữ hành, 53 khu, điểm du lịch, dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf tại Cồn Ấu đang triển khai…, đáp ứng nhu cầu lưu trú và nghỉ dưỡng cho đông đảo du khách đến Cần Thơ.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu, sự kiện quan trọng của thành phố Cần Thơ hằng năm.

Nhằm quảng bá và phát huy giá trị ẩm thực địa phương gắn với phát triển du lịch, Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội ẩm thực; trong đó, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu, sự kiện quan trọng của thành phố Cần Thơ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dịch vụ du lịch, Thành phố tiếp tục phát huy giá trị các làng nghề truyền thống được công nhận như: (1) Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, Thốt Nốt, (2) Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, phường Long Hòa và Long Tuyền, Bình Thủy, (3) Làng nghề đan lưới Thơm Rơm, phường Tân Hưng, Thốt Nốt, (4) Làng nghề sản xuất bánh kẹo Ba Rích, phường Thới An, quận Ô Môn. Có thể thấy, các làng nghề đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giúp tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm, tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương gắn với phát triển du lịch, hướng dẫn người dân làm du lịch chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện, chất lượng. Ngoài ra, các công trình văn hóa lịch sử như Khu di tích lịch sử lộ Vòng Cung, Đền thờ Vua Hùng, Cầu đi bộ Ninh Kiều, Công viên Lưu Hữu Phước... cũng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư.

Vị thế mới của Cần Thơ trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia

Thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là một trong những trọng điểm phát triển du lịch phía Nam. Với đặc trưng sinh thái sông nước, văn hóa bản địa đặc sắc và vị trí chiến lược, Cần Thơ có nhiều tiềm năng trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có những bước đi chiến lược, linh hoạt và đồng bộ. Quan trọng hơn hết là tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực từ cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng. Mục tiêu được xác định, đến năm 2025, ngành du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh trạnh cao; là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP của thành phố, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển mạnh; đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao và nâng cao vị thế so sánh của du lịch thành phố với các địa phương trong nước và quốc tế; tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến du lịch tại thành phố Cần Thơ.

Ngày 13/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Cần Thơ được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm; chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, xây dựng và hình thành 08 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch, đến năm 2030 tập trung hình thành 06 khu vực động lực và nêu rõ “Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau: Thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam”. Ngoài ra, Cần Thơ còn được xem là 1 trong 11 trung tâm du lịch phát triển gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội để ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Đồng Thời, Ninh Kiều thuộc thành phố Cần Thơ, được xem là địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia . Do đó, rất cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy phát triển địa điểm tiềm năng này trong thời gian tới.

Bến Ninh Kiều, địa danh du lịch, văn hóa hấp dẫn của Thành phố Cần Thơ.

Những tồn tại, thách thức và giải pháp chiến lược cho giai đoạn bứt phá

Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Bên cạnh nhiều kết quả khả quan, du lịch Cần Thơ cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức như: Quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, bến bãi kết nối với các điểm du lịch đường sông còn nhiều hạn chế; khả năng, kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch còn khó khăn; nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các khu vui chơi, giải trí phức hợp quy mô lớn; chưa có cảng du lịch đủ khả năng đón tàu du lịch lớn … Để đạt được mục tiêu du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao và nội dung văn hoá sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội; phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu “đến năm 2025, ngành du lịch thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của thành phố.

Thứ hai, đổi mới tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tạo điều kiện người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch;

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch các cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho lao động du lịch trực tiếp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch có tính chuyên nghiệp và hiện đại. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung xây dựng và khai thác các chương trình tham quan, tuyến du lịch liên vùng có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động du lịch; tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả; thực hiện tốt và hiệu quả công tác quy hoạch phát triển du lịch; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tài nguyên đặc trưng của các địa phương để phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch.

Thứ năm, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch ở các cấp quản lý, đặc biệt là trong cộng đồng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố dựa trên khai thác các thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước; du lịch MICE và các loại hình du lịch phụ trợ khác như: du lịch văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng… Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các Đề án: phát triển kinh tế đêm của thành phố, “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố.

Nhìn lại những kết quả nổi bật trong thời gian qua, có thể thấy thấy du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là “đại sứ” truyền tải hình ảnh, bản sắc và vị thế của địa phương ra thế giới. Với những định hướng chiến lược từ Trung ương và sự năng động trong triển khai thực tiễn của địa phương, Thành phố Cần Thơ đang từng bước vươn mình mạnh mẽ trở thành trung tâm du lịch hiện đại, đậm đà bản sắc sông nước miền Tây. Tuy con đường phía trước còn không ít chông gai, nhưng để “du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” thực sự cần có sự nhất quán trong lãnh đạo, điều hành; sự năng động của doanh nghiệp; sự đồng hành của người dân và đặc biệt là sự linh hoạt, sáng tạo trong thích ứng trước bối cảnh mới và trong tương lai gần sẽ sớm định vị thương hiệu “Cần Thơ – Điểm đến sông nước Mekong văn minh, thân thiện và an toàn”./.

Th.S Lương Thị Hoàng Oanh

Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Cần Thơ

------

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

[2] Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 509/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[3] Thành ủy Cần Thơ (2025). Báo cáo số 640-BC/TU về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.

[4] Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.