Phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, cần có nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người tích cực trong thời đại hiện nay. Văn học, nghệ thuật cần góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng tình cảm quân dân thân thiết vững bền, làm cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Ngày 25/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong gần 80 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước ta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm to lớn của văn hóa, nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.

Để thực hiện sứ mệnh vẻ vang đó, hàng ngàn văn nghệ sĩ cả nước đã đi vào cuộc sống kháng chiến, kiến quốc, có mặt trên khắp mọi nẻo đường cách mạng để sáng tạo, trình diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật… phục vụ kịp thời các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hiện thực cuộc sống kháng chiến với nhân vật trung tâm là người chiến sĩ cách mạng, đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng đã được văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thực, sinh động; trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc, trí tuệ của thời đại và lương tâm của loài người.

Sau ngày đất nước thống nhất, đội quân văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục có mặt trên mọi miền đất nước, đến với nhân dân và chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo xa xôi để viết tiếp về cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ bảo vệ chủ quyền dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần lưu giữ, tôn vinh những người anh hùng dân tộc, tri ân những liệt sĩ và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quang cảnh Hội thảo.

Nhấn mạnh, đất nước đang bước vào vận hội mới; trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, các văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng, thông qua sáng tạo văn học, nghệ thuật của mình để ươm trồng những hạt giống của cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, các văn nghệ sĩ không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải “lĩnh ấn tiên phong”, là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển. Các văn nghệ sĩ hôm nay phải cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, cần quán triệt sâu sắc và có những chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang, phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần có nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người tích cực trong thời đại hiện nay. Văn học, nghệ thuật cần góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng tình cảm quân dân thân thiết vững bền, làm cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về mảng đề tài này…

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 126 bản tham luận, các tham luận cùng tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; Phân tích, đánh giá thực trạng văn học, nghệ thuật tham gia phản ảnh tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến; đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng…

Kết quả Hội thảo là cơ sở, luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn./.