Phấn đấu xây dựng 9.000 Tổ truyền thông cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chiều 10/10, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo Tham vấn về mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên tuyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Theo đó, 1 trong những nhiệm vụ trong giai đoạn I của Dự án 8 là xây dựng mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, với chỉ tiêu 9.000 Tổ được thành lập và hoạt động trong giai đoạn 2021-2025, do Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN việt Nam xây dựng kế hoạch và triển khai tới các cấp cơ sở.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dự kiến, mô hình Tổ truyền thông cộng đồng sẽ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, trên cơ sở tham mưu của Hội LHPN xã với số lượng tổ truyền thông được phân bổ cụ thể theo từng tỉnh trong Kế hoạch số 43/KH-ĐCT.
Với tiêu chí lựa chọn những người sinh sống trên chính địa bàn; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội đề xuất số lượng thành viên Tổ từ 10-15 người là các các bộ thôn, cán bộ hội phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng tự nguyện tham gia mô hình này.
Tổ truyền thông sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự quản, dân chủ, công khai, minh bạch và tình nguyện. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động của Tổ bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp địa phương và tình hình thực tế tại địa bàn, đảm bảo phân công nhiệm vụ cho các thành viên dựa trên năng lực, sở trường, thế mạnh của từng người.
Các hoạt động truyền thông dự kiến được thực hiện dựa trên phương pháp có sự tham gia và tăng cường khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng. Các hình thức truyền thông được khuyến nghị có thể kể đến như: thảo luận nhóm, đóng vai/sân khấu kết hợp văn hoá/văn nghệ cộng đồng, nói chuyện chuyên đề kết hợp hỏi đáp, tư vấn nhóm nhỏ, tổ chức cuộc thi, hệ thống tin bài-tài liệu được cập nhật trên các dạng thức lưu trữ văn bản truyền thống hoặc ứng dụng công nghệ sỗ trong việc truyền tải thông tin đến bà con.
Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam hy vọng, các tổ truyền thông sẽ phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế; đồng thời tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng để kịp thời phản ánh với Ban điều hành Tổ về các vấn đề phát hiện ở địa bàn. Khi mô hình Tổ truyền thông được thành lập sẽ góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại, giải quyết được một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa phương./.