Ninh Bình: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá

Ngày 22/11, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình khẳng định, Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện những nét đặc trưng văn hoá của dân tộc Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng với phát triển văn hoá. Cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung; trang bị cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước.     

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cũng lưu ý: đối với Ninh Bình, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, bởi hiện nay Ninh Bình đang xác định phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là cụm các ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó giá trị lịch sử, văn hóa - con người - cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhất là tinh hoa văn hóa Cố đô là một trong những nền tảng quan trọng để Ninh Bình thực hiện chiến lược đến năm 2035 xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nình Bình lưu ý cán bộ, đảng viên, Nhân dân phải có nhận thức đúng, sâu sắc về văn hoá để tham gia hoạch định và hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của tỉnh; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng phát triển quê hương, làm cho tài nguyên di sản văn hoá trở thành động lực phát triển kinh tế.

Lưu ý về một số giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để phát triển công nghiệp văn hoá, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cho rằng tỉnh cần phải có chiến lược về bảo tồn, phục dựng, hồi sinh di sản, tạo dựng hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hoá. Đồng thời yêu cầu: trong thời gian tới các ngành chức năng cần tăng cường tham mưu, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về văn hoá, công nghiệp văn hoá cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm văn hoá; thúc đẩy thương mại hoá và doanh nghiệp hoá để phát huy giá trị gia tăng kinh tế di sản, góp phần sớm hiện thực hoá mục tiêu chiến lược của tỉnh./.