Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, đảm bảo an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh Hà Nam, ngày 26/8/2024.

Nổi bật, công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh được các cấp ủy đảng tỉnh Hà Nam triển khai nền nếp. Hình thức học tập được đổi mới, từ học tập trực tiếp sang trực tuyến kết nối đến điểm cầu cấp xã, giúp cho cán bộ, đảng viên cơ sở có điều kiện tiếp thu trực tiếp từ Báo cáo viên; hệ thống cơ sở vật chất được đẩy mạnh đầu tư, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được lắp đặt đường truyền kết nối trực tuyến; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết ngày càng cao, bình quân lớp cán bộ chủ chốt cấp tỉnh đạt 99%, cấp huyện đạt 93% và cấp cơ sở đạt 90%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết sau học tập, quán triệt và cụ thể hóa việc thực hiện các nghị quyết nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng căn cứ vào nội dung Chương trình hành động của Tỉnh ủy và thực tiễn của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện ở từng cấp, ngành đảm bảo tính khả thi. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí đảm bảo thực hiện tốt, kịp thời, đúng định hướng. Chú trọng triển khai lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các chương trình giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện, thị, thành phố; các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đảng viên mới; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… Các cấp bộ đoàn cũng duy trì hiệu quả hoạt động của 12 câu lạc bộ Lý luận trẻ trên địa bàn, nhằm tập hợp cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên yêu thích, có khả năng nghiên cứu, trao đổi về lý luận, chính trị, trang bị cho thành viên kỹ năng nhận biết, phòng chống và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng...

Hằng năm, Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã đăng tải, chia sẻ hàng chục nghìn tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; các cơ quan báo chí, tuyên truyền chủ lực của tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc được thực hiện hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tiến hành xác minh, xử phạt hành chính 26 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng với nội dung kích động bạo lực trên mạng xã hội. Kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn việc phát tán 03 tài liệu qua internet, 02 tài liệu qua đường bưu chính, gỡ bỏ hơn 100 tài khoản có nội dung xấu, độc...

Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức đối với từng đối tượng cán bộ, đảng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh mở 435 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị với 91.660 học viên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nội dung, thời gian, chương trình quy định; kịp thời cập nhật, bổ sung vào trong chương trình giảng dạy nội dung mới, các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị tỉnh Hà Nam còn có những vấn đề cần giải quyết như: Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học chính trị, chưa chủ động, tích cực tham gia học tập, thậm chí có người dự để điểm danh; việc bổ sung, cập nhật kiến thức mới, thay đổi phương pháp tiếp cận bài giảng chậm được đổi mới; hoạt động đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được chú trọng…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới, thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Tỉnh đoàn Hà Nam tổ chức Liên hoan Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh năm 2024

Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên về vai trò của học tập lý luận chính trị, coi đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quy định về học tập lý luận chính trị trong Đảng, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa cách thức tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng người học; tăng cường kỷ luật, kỷ cương học tập, đánh giá nhận thức và hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, tăng cường các hoạt động bổ trợ để khắc phục tư tưởng ở người dạy và người học, coi các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân là môn phụ; đa dạng hoá các hình thức giảng dạy giáo dục đạo đức, giáo dục công dân nhằm hình thành cho học viên truyền thống yêu nước, tôn sư trọng đạo, có phẩm chất, năng lực, tư duy sáng tạo; biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, điều chỉnh các hành vi đạo đức, lối sống.

Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy lý luận chính trị cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn phải được thực hiện quyết liệt. Đội ngũ giảng viên, giáo viên phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện, cập nhật kiến thức để có trình độ kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn sâu rộng, phong phú, năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để cuốn hút người học, góp phần khắc phục tình trạng lười học, ngại học chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đặc biệt quan tâm khâu đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng để kịp thời có sự điều chỉnh về hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức dạy và học đáp ứng nhu cầu thực tế. Kiên quyết không để xảy ra lãng phí trong học tập lý luận chính trị.

Bốn là, chú trọng xây dựng các chuyên đề về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đưa vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị và trung tâm chính trị; làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị  làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên./.

Nguyễn Thị Nguyệt

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam