Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh”

Ngày 21/12, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo và đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Nhìn từ Quảng Ninh, thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh trong thời gian qua đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước. Rõ nét nhất, tỉnh đã thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh". Tỉnh tiên phong trong việc huy động nguồn lực và áp dụng hiệu quả các mô hình đối tác công - tư (PPP) để phát triển kinh tế di sản, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông gắn liền với hạ tầng du lịch và bảo tồn di sản. Tỉnh đã đặt cộng đồng địa phương vào vị trí trung tâm trong chiến lược bảo vệ, quản lý và khai thác di sản, tạo ra mối quan hệ gắn kết bền vững giữa người dân và di sản. Tỉnh đã tiên phong ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế di sản; tạo bước đột phá trong quản lý và quảng bá, truyền thông giá trị di sản.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận làm sáng tỏ nhận thức về kinh tế di sản là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về nguồn lực phát triển kinh tế di sản; làm sâu sắc hơn những kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh có thể nhân rộng ra cả nước; đề xuất, kiến nghị góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, với gần 80 bài tham luận.

Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề xung quanh khái niệm, vị trí, vai trò, những yếu tố ảnh hưởng và kinh nghiệm các địa phương và quốc gia trên thế giới trong phát triển kinh tế di sản - động lực tăng trưởng quan trọng trong xu thế phát triển xanh trên thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích thực trạng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, trong đó, đánh giá được thành tựu, hạn chế cùng các nguyên nhân của các thành tựu, hạn chế đó; đồng thời làm rõ những vấn đề đặt ra, phát hiện những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong phát triển kinh tế di sản.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản về cơ chế, chính sách và trong thực thi các cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực kinh tế di sản. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện và bổ sung các văn bản luât, quy chế, quy định ở cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ đầy đủ cho di sản thế giới; xây dựng các kế hoạch quản lý phù hợp với sự tham gia của các bên liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản; đổi mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ kế hợp di sản đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; nghiên cứu và giải quyết mối quan hệ liên vùng, liên cấp, liên ngành trong quản trị địa phương…

PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản ghi nhận các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo sẽ được chắt lọc, gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung phát triển hiệu quả kinh tế di sản; góp phần tạo động lực tăng trưởng mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.