Kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam
Thực hiện Kế hoạch của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Hội đồng làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.
Tại các buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các thành viên đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị được kiểm tra.
Cụ thể, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật được thực hiện trên nhiều nền tảng phát thanh, truyền hình, báo chí, truyền thông đa phương tiện. Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện truyền thông, phổ biến pháp luật trên 15 kênh phát thanh, 08 kênh truyền hình, 02 báo điện tử, 03 App điện thoại di động. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam còn sử dụng các mạng xã hội như zalo, fanpage facebook, You tube, Tiktok, Podcast… để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số để thông tin về lĩnh vực pháp luật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát thanh 13 ngoại ngữ cho thính giả ở nước ngoài và kiều bào xa Tổ quốc. Các chương trình của Đài đều nhận được sự quan tâm, theo dõi của thính giả, nhiều chương trình nhận được sự tương tác của thính giả như Giờ cao điểm, Dự thảo trên tay, Đường dây nóng thính giả, Góc tư vấn, Cầm tay chỉ luật, Theo chân thính giả…
Tại Thông tấn xã Việt Nam, thời gian qua, công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục với nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật liên tục được đổi mới, phong phú, đa dạng, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới đến với người dân. Các kênh phân phối thông tin ngày được mở rộng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đưa pháp luật đến với đông đảo người dân, hiệu quả hơn, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận một số kiến nghị của hai đơn vị như: Các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chủ động cung cấp thông tin về các văn bản cho các cơ quan báo chí, truyền thông; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; xây dựng các gói thông tin chuyên biệt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...
Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân./.