Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày 11/4, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 153-HD/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (01/6/1904 - 01/6/2024).

Tượng đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được xây dựng tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.

Mục đích nhằm tôn vinh, tri ân công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, công tác tuyên truyền kỷ niệm thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng các hoạt động tuyên truyền có trọng tâm, phù hợp với từng cơ quan, địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, hải đảo của đất nước, tạo không khí thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Hướng dẫn số 153-HD/BTGTW, các nội dung tuyên truyền được nhấn mạnh gồm: Thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong; cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nêu bật vai trò lãnh đạo cuộc vận động xây dựng tổ chức đảng ở Cao Bằng và khu vực biên giới phía Bắc, góp phần khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ; tấm gương đạo đức sáng ngời của một người cộng sản trung kiên, nhà chỉ huy quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương Cao Bằng.

Cùng với đó là những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, xuyên tạc cuộc đời và những đóng góp của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với cách mạng Việt Nam; các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm tổ chức ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là trên quê hương Cao Bằng và những nơi đồng chí Hoàng Đình Giong đã công tác, hoạt động cách mạng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang thôn Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng ở Cao Bằng từ ngày 20 - 22/8/1945.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng và Bác Hồ giao trách nhiệm Chỉ huy Đội quân Nam tiến. Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI. Năm 1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.

Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Đình Giong đã được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2009); Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (năm 2018).

Toàn văn Hướng dẫn số 153-HD/BTGTW, ngày 11/4/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong có thể tải về từ bài viết tương ứng trong mục Nghiệp vụ trên App mobile Thông tin tuyên giáo./.