Hướng dẫn Báo chí tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tại Hướng dẫn số 148- HD/BTGTW về hướng dẫn báo chí tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, việc triển khai tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cơ quan báo chí; đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm túc thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Giao diện Trang thông tin đặc biệt Chiến dịch Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân.

Nội dung tuyên truyền gồm: Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến, kết quả của Chiến dịch; những chiến thắng và chiến công của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; tinh thần đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân ba nước Đông Dương; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta; công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đồng thời, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về: Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chú trọng tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động về nguồn; biểu dương, khích lệ các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc; những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Điện Biên Phủ cần tiếp tục được phát huy, lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và của tỉnh Điện Biên 70 năm qua; những nghị quyết, chiến lược, chương trình, dự án, định hướng phát triển vùng Tây Bắc và tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền đầy đủ những hoạt động kỷ niệm diễn ra ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Cũng theo Hướng dẫn số 148-HD/BTGTW, công tác tuyên truyền chia làm ba giai đoạn. Cụ thể như sau:

Giai đoạn trước sự kiện (từ nay đến cuối tháng 4/2024)

- Căn cứ tôn chỉ mục đích và định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các tuyến tin, bài, chương trình tuyên truyền kỷ niệm.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các kênh truyền hình Nhân Dân, Thông tấn, Quốc hội, Công an Nhân dân, Quốc phòng Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... xây dựng chương trình, phim tài liệu, phóng sự, sự kiện, tọa đàm... có sức thuyết phục, lay động, lan tỏa sâu, rộng trong xã hội; yêu cầu mở chuyên mục riêng về sự kiện (có logo, hình hiệu, nhạc hiệu riêng biệt, phù hợp), phát sóng vào khung giờ có đông khán, thính giả theo dõi.

- Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, các báo: Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại biểu nhân dân, Đại đoàn kết, Lao động, Tiền phong, Vietnamnet, Thanh niên, Dân trí, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng; các báo trực thuộc các quân khu, quân chủng; Báo Điện Biên Phủ, Báo Hòa Bình, Báo Sơn La, Báo Lai Châu, Báo Lào Cai, Báo Yên Bái và các báo đảng, đài phát thanh - truyền hình địa phương... tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề đăng, phát thường xuyên, liên tục, bảo đảm chất lượng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của công chúng và dư luận xã hội.

- Các cơ quan báo chí của Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội; đài phát thanh - truyền hình địa phương; báo đảng bộ địa phương... căn cứ đặc điểm, nhu cầu, đối tượng phục vụ, khả năng cụ thể... để thực hiện. Yêu cầu báo hình, báo nói xây dựng chuyên mục riêng và phát sóng định kỳ; báo in, báo điện tử mở chuyên mục đặt ở vị trí trang trọng trên trang nhất (báo in) và trang chủ (báo điện tử) với tin, bài thường xuyên.

Giai đoạn cao điểm của sự kiện (từ đầu tháng 5/2024 đến hết ngày 10/5/2024)

- Đề nghị tất cả các cơ quan báo chí tập trung mở đợt tuyên truyền cao điểm, sâu, đậm trong thời gian này bằng việc tăng cường tối đa các tuyến tin, bài, chương trình về sự kiện; khuyến khích tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, kỷ niệm, tọa đàm, giao lưu, tuyên dương, gặp mặt... thiết thực, hiệu quả với nội dung và hình thức mới mẻ, sinh động, sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng, giúp Nhân dân dễ nắm bắt, tiếp nhận thông tin.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo, đài lồng ghép tuyên truyền về bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong các chương trình, chuyên mục, chuyên trang có đông khán giả, thính giả và độc giả theo dõi.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; Chương trình nghệ thuật đặc biệt; Cầu truyền hình trực tiếp.

Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các kênh truyền hình thiết yếu tổ chức tiếp sóng trực tiếp từ Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Các cơ quan báo chí có ấn phẩm tiếng nước ngoài tăng cường thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền về sự kiện bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng nhằm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về Chiến thắng Điện Biên Phủ; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến bạn bè thế giới.

- Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam: Nếu có kế hoạch tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật; cầu truyền hình trực tiếp; các chương trình phát thanh, truyền hình lớn, có sự tham gia của nhiều địa phương, đơn vị, cần trao đổi ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương để thống nhất trong tổng thể các chương trình hoạt động, tránh trùng lặp với các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm ở cấp Trung ương.

Giai đoạn sau sự kiện

Các cơ quan báo chí tiếp tục giữ vững nhịp tuyên truyền nhằm tạo không khí thuận lợi, khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.