Hướng dẫn công tác văn hóa - văn nghệ năm 2025
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 177-HD/BTGTW, ngày 11/12/2024, hướng dẫn công tác văn hóa - văn nghệ năm 2025 với những nội dung triển khai cụ thể như sau:
Công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Đợt 1: Từ tháng 01/2025 đến thời điểm hoàn thành đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc Trung ương (trước ngày 31/10/2025)
* Từ tháng 01/2025 đến 30/6/2025
- Các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ, chào mừng đại hội đảng bộ cấp cơ sở. Các hoạt động, nội dung, chủ đề tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về “niềm tin mới, khí thế mới”, về “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới”, về “thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.
- Triển khai các hoạt động sáng tạo, văn hóa, văn học, nghệ thuật; động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; chủ đề mừng Xuân, mừng Đảng, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
* Từ tháng 7/2025 đến 31/10/2025
- Các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung đã nêu ở giai đoạn 1 (từ tháng 01/2025 đến 30/6/2025). Tổ chức đặt hàng, khuyến khích dàn dựng, công bố, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; ca ngợi những thành tựu nổi bật của đất nước sau 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2010 - 2025); kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2020 - 2025...
- Căn cứ điều kiện cụ thể, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng đại hội đảng cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong toàn Đảng, toàn dân về các sự kiện trọng đại của đất nước.
- Đợt 2: Từ sau đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc Trung ương đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ trước và trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; bảo đảm đúng định hướng chính trị, đa dạng về hình thức thể hiện. Nội dung các chương trình văn hóa - văn nghệ, các sản phẩm văn hóa, văn nghệ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, khẳng định thành tựu to lớn của đất nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm, đồng lòng, nhất trí, cống hiến hết sức mình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
- Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến cơ sở ngay từ đầu năm 2026.
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ mừng Xuân Ất Tỵ 2025
- Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tiễn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa - văn nghệ mừng Xuân Ất Tỵ 2025, gắn với tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp. Các hoạt động đảm bảo chất lượng, nội dung phong phú, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của Nhân dân.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tối đa các tuyến tin, bài; tổ chức xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, chương trình; đăng, phát thường xuyên, liên tục với nội dung, hình thức phong phú, sinh động, đa dạng, chất lượng và hiện đại, phản ánh đậm nét về những giá trị văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan báo chí trong nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chương trình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa số. Ưu tiên các hoạt động văn hóa vui Xuân, trải nghiệm, các chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng, chiến khu xưa, vùng sâu, vùng xa…; có chương trình chuyên biệt dành cho thiếu nhi.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong lễ hội thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Chú trọng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về bản chất, mục đích, ý nghĩa của lễ hội; vận động người dân, du khách thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
- Chủ động nắm bắt tình hình, hoạt động văn hóa - văn nghệ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, có phương án xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm, lợi dụng dịp Tết để sản xuất, tuyên truyền các sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ, gây hủy hoại đạo đức xã hội…
Các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị
- Các địa phương, cơ quan, đơn vị bám sát các quy định của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2025, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ các lễ kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025); kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025); kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025); 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026)...bvà các sự kiện văn hóa khác của địa phương, đơn vị, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả.
- Căn cứ Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động rà soát kế hoạch để triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, thiết thực, hiệu quả trong từng hoạt động.
- Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc ngành văn hóa, các cơ quan, đơn vị văn hóa, nghệ thuật, các hội văn học, nghệ thuật đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát động văn nghệ sĩ hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tốt Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo đúng Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư với tinh thần đổi mới, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ cả nước, qua đó làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng chính trị, động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, sức sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
- Tổ chức các hoạt động tiếp tục triển khai thực hiện nội dung tiêu chí hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác trùng tu, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng về bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ
- Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về công tác văn hóa - văn nghệ; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện: Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) và chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 14/6/2024 của Ban Bí thư về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030...
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; ý nghĩa, tầm quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới; các nội dung về xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
- Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) và điều kiện thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, tạo sự lan tỏa, thiết thực, hiệu quả trong từng hoạt động.
Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ
- Các cấp ủy đảng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ như: Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”…
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị nhân văn, biểu dương các tấm gương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Định kỳ, thường xuyên tổ chức các hình thức giao ban về công tác văn hóa - văn nghệ để nắm bắt thực tiễn, chỉ đạo, định hướng kịp thời. Nội dung và hình thức tổ chức giao ban phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Mỗi kỳ giao ban, chọn các chủ đề đã được giám sát, các vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm trên địa bàn để trao đổi, kịp thời rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện.