Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 178-HD/BTGTW, ngày 12/12/2024 về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Hướng đẫn số 178-HD/BTGTW đề cập các nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền cụ thể như sau:

Tín dụng chính sách xã hội là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

1. Các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới được nêu trong Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; các quan điểm về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội tại Chỉ thị số 39-CT/TW, nhất là các quan điểm: Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Đổi mới, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội theo hướng sáng tạo, bao trùm, phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Lấy con người làm trung tâm; Là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

2.  Khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng xã hội gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tập trung một số nội dung sau:

- Nêu bật tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa, tính chất của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.

- Mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với tình hình thực tiễn, chú trọng cung cấp tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; các đối tượng chính sách khác. Tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo; gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

- Huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đúng mục đích, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, trong đó nguồn lực của Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và nước ngoài; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, phản ánh các hoạt động triển khai, cách tháo gỡ những bất cập và kết quả triển khai nhiệm vụ trong công tác tín dụng chính sách xã hội của các cấp, các ngành, địa phương. Việc triển khai phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để bổ sung vào nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

4. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng chính sách xã hội, thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tín dụng chính sách xã hội. Tôn vinh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW.

5. Phê phán, đấu tranh, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tín dụng chính sách xã hội, gây cản trở, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.