Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phan Diễn, Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Ban Bí thư; đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp về khoa học công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên xuất sắc tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu tỉnh Long An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo chủ chốt các tỉnh ủy, thành ủy, quân khu, quân chủng dự tại điểm cầu của địa phương, đơn vị mình.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định số 229, ngày 10/1/2025 của Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải pháp đột phá, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Điểm mới ở đây là xác định rõ vai trò "là động lực chính" đồng thời đã gắn kết phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với đổi mới phương thức quản trị quốc gia, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là công cụ quan trọng để thực hiện "đổi mới" theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề tại Hội nghị.

Quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”. Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.

Chính phủ xác định việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát động phong trào thi đua toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chính phủ xác định khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính phủ sẽ tập trung xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời đề xuất Quốc hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan để góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ban hành quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin chuyên đề tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Chuyên đề nêu rõ: Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp; qua rà soát cho thấy, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách có thể coi là rất mới như: phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo nghiên cứu tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý việc tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần phối hợp, đánh giá chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”, trong đó cần tập trung đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; thể hiện rõ ràng mức độ khuyến khích, ưu đãi vượt trội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thực tiễn của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nghị quyết 57-NQ/TW đã tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá để giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, nhân dân và giới trí thức, tôi tin rằng Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững./.