Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII

Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII). Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội).

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên... Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) đến 21.000 điểm cầu trên cả nước với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề "Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

Về những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, dự thảo đã xác định đất nước ta sẽ tiếp tục hoàn thiện chủ nghĩa xã hội và xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gần dân, sát dân; Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt, triển khai chuyên đề.

Dự thảo cũng xác định tiếp tục hoàn thiện; lấy người dân, con người làm trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, xác định tăng trưởng phải nhanh và bền vững; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và vận dụng sáng tạo những thành quả của 4.000 năm lịch sử để đưa đất nước Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới.

Về “Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng”; “Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị” và “Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng đã được biên tập ngắn gọn, súc tích so với các dự thảo trước đó, song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc, vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện, vừa bảo đảm tính hành động cao, có thể triển khai ngay, đồng thời, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức đảng.

Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt, triển khai chuyên đề tại Hội nghị.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung. Nhóm nội dung thứ nhất là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Nhóm nội dung thứ hai là các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp các năm 1988, 1989 và 2001). Việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp thực hiện từ ngày 6/5 đến ngày 5/6 tới. Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/9/2025.

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề: (1) Những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… (2) Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. (3) Sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (4) Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là ngày chủ nhật, 15/3/2026, và ngày 6/4/2026, Quốc hội khoá mới họp phiên họp thứ nhất. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.

Hội nghị tiếp tục với phần quán triệt nhiều nội dung quan trọng do đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày. Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn bạc, thống nhất các nguyên tắc sắp xếp lại đơn vị hành chính với mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới. Trung ương đã đồng tình, thống nhất rất cao về chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt, triển khai chuyên đề tại Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã.

Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện việc sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí; đồng thời, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định pháp luật bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng quán triệt Kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp từ nay đến ngày 31/10/2025 với 121 nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các cơ quan từ Trung ương xuống cơ sở; việc sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; quán triệt nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Tổng Bí thư nêu rõ, các chủ trương, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã đầy đủ, bảo đảm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, Tổng Bí thư chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương xuống cơ sở phải bắt tay vào triển khai thực hiện ngay; từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định được những công việc cần phải làm trong thời gian tới; từng cán bộ, đảng viên cũng cần hình dung ra những trách nhiệm cá nhân trong cuộc cách mạng chung của đất nước. Sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu quán triệt đầy đủ các nội dung, đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện./.