Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng thế hệ trí thức trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng
Tiếp tục chương trình khảo sát việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 9/4, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương do đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận 94-KL/TW, Đảng ủy và Ban Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, thành lập các tổ công tác chuyên trách, tổ chức hội thảo, tọa đàm và triển khai những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị. Từ năm 2019, chương trình giảng dạy lý luận chính trị được điều chỉnh từ 4 lên 5 học phần, với trọng tâm là gắn lý luận với thực tiễn và ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy.
Số lượt sinh viên đăng ký học phần lý luận chính trị đạt hơn 35.000 trong năm học gần nhất. Khảo sát năm học 2023–2024 cho thấy mức độ hài lòng của sinh viên đạt 3.4/4 điểm – một con số tích cực đối với nhóm học phần vốn được xem là “khô khan”. Cùng với việc triển khai Kết luận 94-KL/TW, Đại học Bách khoa Hà Nội còn tích cực thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, với hơn 500 bài dự thi chính luận được gửi tham dự các cuộc thi trong và ngoài trường, trong đó có 4 tác phẩm xuất sắc được Thành ủy Hà Nội vinh danh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục như: Một số nội dung chương trình còn hàn lâm; Giảng viên chưa đồng đều về kỹ năng công nghệ; Sinh viên còn thụ động trong học tập, chịu tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Từ thực tiễn đó, Nhà trường kiến nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản về đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là trong bối cảnh mới sau sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Tiếp tục hỗ trợ công tác chuẩn hóa nội dung, cập nhật giáo trình; Tăng cường chuyển đổi số, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên lý luận chính trị…

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. Đây là nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế hệ trí thức trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, khẳng định vai trò tiên phong của đại học kỹ thuật trọng điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng trong tình hình mới.Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Ngô Đông Hải đề nghị Đảng uỷ Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, đảm bảo lý luận đi vào thực tiễn đời sống. Cần định hình rõ vai trò của lý luận chính trị không đơn thuần là các học phần đại cương mà còn là nhiệm vụ quan trọng góp phần hình thành nhận thức, tư duy của thế hệ tương lai. Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng lưu ý, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội tiếp tục quan tâm tới các tổ chức đảng tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong công tác triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW./.