Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới

Với 2 nội dung chính được triển khai gồm: Thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới; Thông tin tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Hội nghị Báo cáo viên Thành phố Hà Nội tháng 6/2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 18/6 đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu dự Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới. Nội dung tuyên tuyền tập trung vào 4 nội dung chính, bao gồm: Ý nghĩa của gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; Đặc điểm và thách thức của gia đình hiện nay; Bạo lực gia đình và một số văn bản pháp luật mới; Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trên quy mô toàn cầu. Kết quả điều tra quốc gia năm 2019 trên 5.976 phụ nữ Việt Nam từ 15 - 64 tuổi cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì gần 2 phụ nữ (62,9%) từng có chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý. Đáng chú ý, nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023, có 2.628 nữ và 565 nam. Chính phủ đánh giá, so với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Bạo lực là hành vi xấu, gây tổn thương đến người khác bằng hành động hoặc lời nói. Bạo lực gia đình là ngược đãi, đánh đập, gây áp lực khiến những thành viên khác trong gia đình bị tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Không chỉ thế, bạo lực gia đình còn được hiểu là sự xúc phạm, ép buộc và cưỡng chế những thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình khiến hạnh phúc tan vỡ, tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm khiến cho những đứa trẻ trong gia đình có bạo lực có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng bạo lực từ gia đình.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị đội ngũ Báo cáo viên Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ, mỗi người dân cần có kiến thức cho các tình huống thoát nạn khi sự cố xảy ra; trang bị thêm các bình cứu hỏa, các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày, vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết; luyện tập kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn. Các khu tập thể, chung cư mini… cần tăng cường trang bị hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.

Hơn hết, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là của từng người dân. Việc tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ giúp tạo ra một môi trường sống an toàn cho người dân./.