Hà Nội khuyến khích các mô hình làm hay trong lĩnh vực văn hóa, du lịch
Ngày 8/2, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 06 năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2022, việc triển khai Chương trình số 06 đã bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đang trên đà khởi sắc.
Năm 2022, đã có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm gồm: Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72% (vượt 0,1% so với kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23% (vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách (tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng (tăng 5,3 lần so với năm 2021).
Cùng với đó, Chương trình 06 dự kiến danh mục 21 dự án, đã triển khai thành 28 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 23.107,3 tỷ đồng. Đồng thời, đã có kế hoạch vốn 21 dự án 14.200 tỷ đồng; 4 dự án chưa có kế hoạch đầu tư…
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06 yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo chú trọng việc tham mưu Thành ủy xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình số 06 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong nhận thức của người dân đối với vấn đề văn hóa. Đối với các sở, ngành liên quan, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình số 06 của các địa phương; khuyến khích các mô hình làm hay trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình số 06; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch. Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Thủ đô; chú trọng công tác quản trị trường học, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên./.