Phát huy hơn nữa đóng góp và vai trò của đội ngũ trí thức
Việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cần phải được làm sớm, đồng thời ban hành nghị quyết mới về lĩnh vực này để phát huy hơn nữa đóng góp và vai trò của đội ngũ trí thức.
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết số 27 - NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung góp ý kiến cho dự thảo bộ sản phẩm Đề án tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW trình Hội nghị trung ương 7 khóa XIII, trong đó tập trung đánh giá đúng thực tế, khách quan việc tổ chức thực hiện và kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW; xác định những điểm nghẽn,nút thắt và nguyên nhân; đề xuất những nội dung, phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030; tầm nhìn 2045.
Các đại biểu đều thống nhất sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng lẫn chất lượng, phát huy vai trò của trí thức trong mọi đời sống xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn nhiều bất hợp lý về khu vực, vùng miền, ngành nghề, độ tuổi... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành và các chức danh tương đương còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận có dấu hiệu hụt hẫng, chưa có nhiều tập thể khoa học, giáo dục- đào tạo, văn hóa, kinh tế mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm khái niệm trí thức, nhất là đội ngũ trí thức làm việc trong các ngành "công nghiệp mới, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật..." . Đây là những lĩnh vực mang nội hàm liên quan đến công nghệ số, nhưng mỗi lĩnh vực lại có sự chuyên biệt riêng, do đó cần phải phân tích rõ.
Có đại biểu bày tỏ quan điểm: Việc chưa có tập thể mạnh về khoa học và giáo dục hiện nay có thể do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là công tác đầu tư và đãi ngộ chưa thực sự tương xứng. Thực tiễn có một số địa phương, một số ngành cho chủ trương ưu đãi nhân tài nhưng mỗi nơi thực hiện chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" một kiểu, chưa có một quy trình, hướng dẫn chuẩn; thêm nữa các cán bộ có trình độ, bằng cấp được trải thảm đỏ mời về các địa phương nhưng khi giao việc thực tế là "trái giò" không đúng với chuyên ngành đào tạo nên không phát huy được hết khả năng, cống hiến.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo Đề án cần làm rõ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức là người dân tộc hoặc đang công tác tại các khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, cần có thêm đánh giá cụ thể, thiết thực về đội ngũ trí thức này.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, thực tiễn 15 năm qua đã có nhiều thay đổi, từ bối cảnh cho đến hiện thực, do đó việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cần phải được làm sớm, đồng thời ban hành nghị quyết mới về lĩnh vực này để phát huy hơn nữa đóng góp và vai trò của đội ngũ trí thức. Đồng chí cũng lưu ý dự thảo nghị quyết mới cần được hành văn dễ nhớ, dễ hiểu, để khi thể chế hóa từ nghị quyết sang pháp luật Nhà nước, các điều luật, khái niệm được rõ ràng, khả thi, dễ vận dụng. Đồng thời nghị quyết mới cần gợi mở cơ chế, chính sách thực hiện, làm cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học "sống bằng nghề" và có nhiều cố gắng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.