Hà Nội: Hơn 1.000 đại biểu được truyền thông về công tác phòng, chống thiên tai
Hội nghị nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
Ngày 30/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai tới các xã, phường, thị trấn năm 2023.
Tham dự Hội nghị có hơn 1.000 cán bộ là trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã; trưởng phòng kinh tế cấp huyện; trưởng hoặc phó trưởng ban tuyên giáo cấp huyện; hạt trưởng các hạt quản lý đê...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định về xu thế thời tiết, thiên tai, khí tượng, thủy văn khu vực thành phố Hà Nội năm 2023; Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội thông tin về tình hình thiên tai trên địa bàn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023; công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi…
Hội nghị đã được nghe 5 đơn vị chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; phòng chống úng hạn, bảo vệ công trình thủy lợi; phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều; ứng phó lũ rừng ngang; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ đê trong mùa mưa lũ…
Kết luận Hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai” đến các chi bộ; thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của các cấp, các ngành...
Các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng dân cư, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, nhằm hạn chế, giảm nhẹ những tác động thiệt hại mà thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Thực hiện tốt ba mục tiêu: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ, bão, úng ngập gây ra...