Hà Nội cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học

Với vai trò Thủ đô, Hà Nội cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học…

Ngày 28/3, Đoàn công tác của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về khảo sát hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay. 

Quang cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương…

Nhận thức tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học của Đảng, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đảng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện… để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, Hà Nội có 145 đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy, quận ủy, huyện ủy, thị ủy. Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ trên địa bàn. Các kết quả nghiên cứu đều có đóng góp phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố.

Đặc biệt, năm 2018, Thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình số 20-CTr/TU về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, gồm 8 đề tài, mục tiêu nghiên cứu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.

Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Đoàn khảo sát, lãnh đạo các sở, ngành đơn vị của Thành phố Hà Nội đã thảo luận làm rõ kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược cho Thành ủy trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao những kết quả mà Thành phố đạt được trong việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác tham mưu của Thành ủy Hà Nội thời gian qua; đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, xem nghiên cứu khoa học là 1 trong các tiêu chí đánh giá cán bộ (luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tăng lương).

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận Hội nghị.

GS.TS Phùng Hữu Phú mong muốn Thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tham mưu cho Đảng thông qua đầu tư cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và một số công trình văn hóa của Thủ đô. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu tích hợp để có những đề xuất xứng đáng trong việc sửa Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài; xây dựng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ./.