Gia Lai: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng

Thực hiện phương châm “đi trước, đón đầu” và tinh thần chủ động, sáng tạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã kịp thời đổi mới hình thức tuyên truyền, chú trọng các hoạt động trực tuyến trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số kết hợp với hiệu ứng của truyền thông và tận dụng tối đa những lợi thế của mạng xã hội.

Sáng 02/7, Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương, do đồng chí Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai về công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và tình hình sử dụng các ấn phẩm, bản tin trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu về mục đích, yêu cầu, nội dung làm việc.

Hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở thôn, làng, tổ dân phố

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy thành lập, tổ chức hoạt động lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố, với đối tượng là những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương, đồng thời có khả năng tuyên truyền miệng; nhạy bén với thực tiễn; có uy tín trong cộng đồng; sống gần gũi, gắn bó với nhân dân tại địa phương; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên địa bàn đang sinh sống. Năm 2020, có 17/17 địa phương hoàn thành xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở 100% xã, phường, thị trấn với khoảng hơn 2.700 đồng chí; tính đến tháng 6 năm 2022 là 6.077 đồng chí trải khắp các thôn, làng, tổ dân phố.

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Lực lượng này đã góp phần truyền tải kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những chính sách, mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tình hình và giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, người có công, gia đình chính sách, các đối tượng thuộc diện bảo trợ; công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… đến với nhân dân.

Đồng chí Trần Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai báo cáo kết quả công tác TTM, hoạt động BCV, TTV từ năm 2018 đến nay

Từ năm 2018 đến năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trực tiếp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở cho 4 xã thuộc 4 huyện được chọn làm điểm. Đồng thời hướng dẫn Ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy tổ chức hội nghị tập huấn cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở ở địa phương mình.

Xây dựng và phát hành nhiều ấn phẩm tuyên truyền gắn với hoạt động thực tiễn của địa phương

Bên cạnh các ấn phẩm tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ năm 2018 đến năm 2021, hàng tháng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, biên soạn, phát hành 03 bản tin: Thông tin sinh hoạt Chi bộ; Thông tin sinh hoạt Nhân dân; Đặc san Tư tưởng - Văn hoá Gia Lai. Trong đó, biên tập, phát hành Thông tin sinh hoạt Chi bộ 12 số/năm; biên tập phát hành Thông tin sinh hoạt Nhân dân 12 số/năm; biên tập phát hành Đặc san Tư tưởng - Văn hoá Gia Lai 6 số/năm.

Năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, in ấn, phát hành 02 bản tin: Thông tin sinh hoạt Chi bộ 12 số/năm, với 5.500 cuốn/số; Thông tin Tuyên giáo Gia Lai 12 số/năm, với 3.200 cuốn/số, được cấp phát đến tất cả các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ cơ sở, thôn làng, tổ dân phố.

Các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là tài liệu hết sức cần thiết để phục vụ sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân, giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở nắm bắt, kịp thời, chính xác các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra ở địa phương, ngành, trong nước và trên thế giới, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng; tăng cường tính chiến đấu và các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong tổ chức đảng ở cơ sở.

Bên cạnh đó, hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã biên tập, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề phục vụ cho công tác tuyên truyền của địa phương như: Tập san Gia Lai - 90 năm hình thành và phát triển, Chuyên san Ocop Gia Lai tiềm năng và triển vọng, Di tích văn hóa Gia Lai, Du lịch Gia Lai tiềm năng và triển vọng, sách Mô hình hay cách làm tốt, sách Người tốt việc tốt làm theo Bác, sách Căn cứ địa cách mạng Khu 10 những ký ức không quên (tập 1). Hàng năm, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xuất bản ấn phẩm tuyên truyền An toàn giao thông. Đồng thời, hàng tháng biên tập tào liệu (file điện tư) gửi cho đội ngũ Báo cáo viên Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc./.

Ánh Hồng - BTG Tỉnh ủy Gia Lai