Ia Grai: Thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố

Qua trao đổi, làm việc với Thường trực Đảng ủy 13 xã và thị trấn thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện thời gian qua, đặc biệt là hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố.

Đồng chí Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 01/7, Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban Tuyên giáo huyện ủy Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ia Grai là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Gia Lai với diện tích tự nhiên 112.237 ha, có 12 km đường biên giới tiếp giáp với nước Campuchia. Huyện có 12 xã, 01 thị trấn với 131 thôn, làng, tổ dân phố; dân số khoảng 106 nghìn người. Ia Grai có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, là địa bàn sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc anh em, trong đó, chủ yếu là người Jrai chiếm trên 49,67% dân số. Đảng bộ huyện có 48 tổ chức cơ sở đảng (gồm 22 đảng bộ và 26 chi bộ) với 211 chi bộ trực thuộc đảng ủy và 4.020 đảng viên. Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên; đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng.

Trong từng nhiệm kỳ, đội ngũ báo cáo viên được quan tâm củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng, hoạt động ngày càng hiệu quả; các chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo. Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện (nhiệm kỳ 2015 - 2020) được thành lập là 31 đồng chí, đến Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đội ngũ báo cáo viên được thành lập với 30 đồng chí.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch báo cáo kết quả công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn

Ngoài đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, năm 2018, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định về thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố huyện Ia Grai với số lượng 53 đồng chí tại các xã: Ia O, Ia Tô, Ia Khai, Ia Dêr, Ia Grăng; Quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng trên địa bàn huyện. Thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng, mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động Fulro, tin lành “Đêga”, các hoạt động truyền đạo trái phép, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan; giữ vững ổn định vùng biên giới... Thông qua hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng như họp dân, sinh hoạt, qua tiếp xúc (cùng lao động, học tập, nói chuyện, trao đổi) với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân), các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đến với người dân nhanh và hiệu quả nhất.

Ở cơ sở, sau các kỳ Đại hội Đảng, Đảng ủy các xã, thị trấn, doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp ủy cấp mình từ 5 đến 7 đồng chí, gồm những đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo Mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn, cụ thể: nhiệm kỳ 2015 - 2020, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên cơ sở là 90 đồng chí; nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 95 đồng chí.   

Đồng chí Nguyễn Thị Lành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai phát biểu tại buổi làm việc

Nội dung, hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể với các phương thức hoạt động đa dạng, phong phú như: Tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ở Trung tâm Chính trị huyện, các buổi tọa đàm, tổ chức lễ kỷ niệm; thông qua phát động các phong trào, qua sinh hoạt định kỳ của chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các cuộc họp cơ quan, đơn vị, họp thôn, làng, tổ dân phố để tuyên truyền; gắn với phát huy vai trò của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của già làng, trưởng thôn, những người có uy tín ở các thôn, làng, tổ dân phố để tuyên truyền đến nhân dân…

Hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả hơn, trung bình mỗi tháng thực hiện tuyên truyền miệng từ 1 đến 2 buổi trở lên, đối với tuyên truyền viên cơ sở từ 2 đến 3 buổi. Qua các buổi tuyên truyền miệng, các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại các thôn, làng, tổ dân phố đã phát huy được ưu thế của mình, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng quần chúng nhân dân, giải đáp được những vấn đề thắc mắc trong nội bộ nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm; chất lượng hoạt động của đa số báo cáo viên từ huyện đến cơ sở đều đạt từ khá trở lên.

Thời gian tới, Ban Tuyên giáo huyện ủy sẽ tiếp tục quan tâm mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, nhất là đội ngũ tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố để có kỹ năng tốt hơn trong công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng tốt hơn./.

Ánh Hồng - BTG Tỉnh ủy Gia Lai