Định hướng tuyên truyền miệng tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 10/2024

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:

Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương định hướng công tác tuyên truyền tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương toàn quốc tháng 10/2024.

1. Về tình hình ASEAN; kết quả một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, tuyên truyền nhấn mạnh:

(1) Trải qua gần 6 thập kỷ tồn tại và phát triển, cho đến nay, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới. ASEAN đang trong quá trình chuyển đổi trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có tiến triển hết sức nhanh chóng, với nhiều thời cơ mới đồng thời cũng đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có.

(2) Trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu xám, ASEAN tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng. Với GDP 3.800 tỷ USD năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030 với đà tăng trưởng như hiện nay. ASEAN hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng FDI đạt 229 tỷ USD năm 2023, vượt qua mọi nền kinh tế đang phát triển khác.

(3) Gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định là thành viên trách nhiệm với vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng. Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Việt Nam tiếp tục tham gia ASEAN trên tinh thần sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn cho công việc chung.

(4) Về một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây:

- Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng, tác động đa chiều tới tình hình trong nuớc, công tác đối ngoại thời gian gần đây tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần tích cực vào quá trình triển khai toàn diện, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại ổn định, gia tăng tin cậy chính trị, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại; tiếp tục tăng cường, thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại tích cực với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; các hoạt động ngoại giao đa phương được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

- Cả ba trụ cột đối ngoại, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong thời gian qua đã bám sát các đường lối đối ngoại Đại hội XIII, đạt được những thành quả lớn: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ sự nghiệp phát triển và phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước. Phát huy mạnh mẽ đặc thù và vai trò của từng trụ cột đối ngoại vào quá trình thúc đẩy quan hệ song phương với các nước. Giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích chính đảng của Việt Nam trên Biển Đông. Kiên trì, thẳng thắn trao đổi để các đối tác nước ngoài hiểu đúng, hiểu đầy đủ bản chất quan điểm của Việt Nam về hòa bình, hòa giải xung đột.

2. Về những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, công tác tuyên truyền bảo đảm xuyên suốt, đồng bộ, kiên trì, thường xuyên, lâu dài, có điểm nhấn, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Trước mắt, giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, tập trung tuyên truyền các nội dung: (1) “Niềm tin mới, khí thế mới”; (2) “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới”; (3) “Thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

3. Tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024)

- Tuyên truyền khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong Di chúc, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Người; củng cố và bồi đắp niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng; qua đó góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ra sức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tâm nguyện Di chúc của Người; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

- Tuyên truyền những thành tựu, bài học kinh nghiệm và biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

- Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và phủ định ý nghĩa, giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Di chúc nói riêng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5. Về tình hình kinh tế - xã hội 

- Tuyên truyền nhấn mạnh: Trong 9 tháng năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều bất định và thiếu vững chắc; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu “tác động kép” của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại; đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản tại các địa phương phía Bắc, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Đẩy mạnh tuyên truyền 12 nhóm giải pháp trong tâm, 05 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

- Tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.

Tuyên truyền nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. 

6. Một số nội dung quan trọng khác

- Tiếp tục tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 10 theo Đề cương của Văn phòng Trung ương Đảng.

- Tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X (diễn ra từ ngày 16-18/10 tại Thủ đô Hà Nội).

- Tuyên truyền định hướng và giải pháp phát triển ngành than theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Cùng với đó, tuyên truyền Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ: Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường./.