Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả thiết thực
Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã; nâng cao dân trí và cung cấp thông tin hữu ích cho nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, làm giàu trên chính quê hương mình...
Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn (2009-2023). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đánh giá, qua 15 năm triển khai (2009-2023), Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, góp phần hữu hiệu trong đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nâng cao dân trí và cung cấp thông tin hữu ích cho nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, làm giàu trên chính quê hương mình…
Đến nay, Đề án đã trang bị cho các xã, phường, thị trấn của cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với tổng số 14.408.340 bản in; Trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách thuộc Đề án.
Các đề tài sách phong phú, thiết thực, tập trung vào những mảng sách: Sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh; sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; sách bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; sách về kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã; sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh…; kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao kết quả mà các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban tổ chức và các đơn vị thực hiện Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đạt được thời gian qua.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng, trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong nghiên cứu, học tập sách, xây dựng và phát triển “văn hóa đọc”.
Về công tác xuất bản, đồng chí lưu ý các đơn vị, địa phương chú trọng nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số... để xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp. Tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách, trong đó tập trung vào các đề tài phục vụ quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các hội nghị Trung ương; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng, miền và các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đơn vị, địa phương cần bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đến đọc sách, tra cứu. Cán bộ quản lý sách của Đề án ở cơ sở xã, phường, thị trấn phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Các địa phương chú trọng việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo, những cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời, kịp thời tiếp thu những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn được biết, tìm đọc, sử dụng hiệu quả sách của Đề án.
Tại Hội nghị, các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai, tổ chức, thực hiện Đề án đã được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương./.