Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đạt nhiều kết quả tích cực

Ngày 09/9, tại Hà Nội, Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW).

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã được nâng lên, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Cơ chế, chính sách cho giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao từng bước được hoàn thiện. Các bậc trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp các nước trên thế giới. Đã hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Về công tác tuyển sinh, đào tạo: Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 đạt 21.238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.

Chương trình đào tạo được đổi mới, phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đã xây dựng và ban hành 300 bộ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho 300 nghề để các trường tự chủ làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh, ban hành chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đạt chuẩn. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh cả về quy mô và đa dạng hóa về nội dung, hình thức. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.

Quang cảnh Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, theo đánh giá, trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp hơn so với các nước phát triển; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao; công tác quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo nhân lực tay nghề cao hạn chế...

Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực tay nghề cao phục vụ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị, địa phương./.