Coi trọng và nghiêm túc quán triệt, tổ chức hiệu quả cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng năm 2022
TS. Dương Đức Huy, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
Nhằm khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa quan trọng, sức mạnh lan tỏa của Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; phản bác trực diện, vạch trần tính phản khoa học, phản cách mạng trong các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động, cơ hội chính trị, đồng thời tạo nguồn, phát triển lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022.

Về mục đích, yêu cầu của Cuộc thi
Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021, có sự mở rộng về quy mô, nâng lên mức toàn quốc nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong đời sống xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ, tuyên truyền đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII, lan tỏa nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc thi nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, hình thành lực lượng tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Nâng cao chất lượng các tuyến bài viết chính luận trên báo, tạp chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, theo phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Thông qua Cuộc thi nhằm huy động sự tham gia của đông đảo đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Qua cuộc thi lựa chọn được những bài viết xuất sắc, tiêu biểu để tuyên truyền, khích lệ, lan tỏa trong hệ thống chính trị và trong xã hội.
Chủ đề, nội dung trọng tâm Cuộc thi
Cuộc thi tập trung vào 3 nhóm chủ đề, nội dung trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm: (1) Bảo vệ, khẳng định vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận, hạ thấp vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển; đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề trên.
Thứ hai, nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay và sự nghiệp đổi mới, góp phần bảo vệ, lan tỏa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết quan trọng của Trung ương khóa XIII, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; (3) Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “an sinh xã hội”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” để chống Đảng, Nhà nước; (4) Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới đất nước, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc các vấn đề lý luận, thực tiễn về đường lối đổi mới đất nước; (5) Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc các vấn đề lý luận, thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; (6) Bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công tác cán bộ; đối ngoại; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về vấn đề trên; (7) Bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kết hợp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; gắn với đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về vấn đề trên; (8) Bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lý luận, thực tiễn, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (9) Kiến nghị hoàn thiện chính sách phát triển theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người là chủ thể phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21; gắn với nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về vấn đề trên; (10) nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội.
Thứ ba, thực tiễn và kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, bao gồm: (1) Một số vấn đề đặt ra với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII; (2) Những yếu tố tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay; (3) Phát huy vai trò của các chủ thể trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay (nhất là lực lượng Tuyên giáo, báo chí, đoàn viên thanh niên, sinh viên, giảng viên lý luận chính trị, cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị); (4) Nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; (5) Dựa vào Nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; (6) Vận dụng sáng tạo các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (khách quan; toàn diện; phát triển; lịch sử - cụ thể, thực tiễn); (7) Đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phối hợp lực lượng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (8) Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một số yêu cầu triển khai thực hiện Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Lào Cai
Tại tỉnh Lào Cai, căn cứ Kế hoạch của Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, yêu cầu thực tiễn của tỉnh và Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Kế hoạch tổ chức “Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch năm 2022 với những nội dung cụ thể. Để Cuộc thi mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia, thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, triển khai một số nội dung, nhiệm vụ sau:
Một là, chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, cán bộ và Nhân dân để nhìn nhận và có trách nhiệm, ý thức trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, các dấu hiệu “tư diễn biến, tự chuyển hoá”. Đây là giải pháp quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao trách nhiệm và cảnh giác, bảo đảm phương châm “giữ vững bên trong là chính”.

Hai là, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, quy chế Cuộc thi, các định hướng về chủ đề, nội dung của Cuộc thi. Quán triệt, tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị nắm rõ những nội dung cơ bản, quan trọng của Kế hoạch và Quy chế Cuộc thi. Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người có điều kiện viết bài tham gia dự thi bảo đảm các yêu cầu theo Kế hoạch của Tỉnh ủy.
Ba là, cấp ủy các cấp coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phát động cuộc thi, triển khai tại đơn vị, địa phương bảo đảm sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả; hướng dẫn, vận động cán bộ đảng viên và Nhân dân tham gia viết bài, chỉnh sửa hoàn thiện bài viết, đăng trên các trang của cơ quan, đơn vị mình. Tổ chức thu nhận, thẩm định các bài viết dự thi theo Quy chế và gửi bài dự thi về Ban Tổ chức cuộc thi đúng thời gian quy định.
Bốn là, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc thi ở cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định. Tổ chức khen thưởng đối với các tập thể, cấp ủy trực thuộc có nhiều bài viết có chất lượng.
Việc quán triệt, triển khai Cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” bảo đảm sâu rộng, hiệu quả cũng chính là nhiệm vụ, giải pháp thiết thực góp phần bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả mà Nhân dân đã đạt được trong xây dựng, phát triển đất nước trong những năm qua. Làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn tiếp theo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.