Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022

Sáng 06/4, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo chuyên đề tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại biểu một số Tập đoàn, Tổng công ty…; các đồng chí báo cáo viên Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 1.707 điểm cầu trên cả nước với hơn 50 nghìn đại biểu tham dự.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thông báo về những kết quả chủ yếu trong công tác khuyến học thời gian qua và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Hội Khuyến học các cấp trong thời gian tới; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng báo cáo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở và Luật TTATGT đường bộ.

Tình hình KT-XH 03 tháng đầu năm tiếp tục đạt chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực

Đồng chí Trần Quốc Phương cho biết: Tình hình KT-XH 03 tháng đầu năm tiếp tục đạt chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72). Qua đó, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển KT-XH, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong Quý II và cả năm 2022. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng. Tình hình doanh nghiệp rất tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh…

Để đạt các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, trong 09 tháng cuối năm 2022 cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 11/NQ-CP, Công điện số 126/CĐ-TTg, 252/CĐ-TTg và 290/CĐ-TTg về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023), nêu cao tinh thần chủ đề điều hành năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.

Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển

Về với chủ đề: “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra từ ngày 09 - 11/3/3033 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội; là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ cả nước. Đại hội diễn ra trong bối cảnh hội viên, phụ nữ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030. Đại hội mở ra một giai đoạn phát triển mới  trong việc phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội có nhiệm vụ quan trọng: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XII; thảo luận kỹ, thống nhất đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 - 2027; kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XII; thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của công tác Hội và phong trào phụ nữ trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp, khát vọng vươn lên, chung sức, chung lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam phồn vinh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng của phụ nữ.

Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời

Muốn có kinh tế tri thức, điều kiện hàng đầu là phải xây dựng xã hội học tập. Chìa khóa mở cánh cổng đi vào Thế kỷ XXI là học tập suốt đời. Chỉ có như vậy con người mới đáp ứng được những thách thức của một thế giới thay đổi nhanh chóng. Cách mạng 4.0 với 3 trụ cột chính là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo. Ba trụ cột này đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Cùng với sự tác động mạnh mẽ, khó lường, nguy hại, khách quan của Covid-19, cả đất nước, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải định hình lại chính mình để thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng đó. Muốn thích ứng được, mỗi người duy nhất chỉ có con đường học tập, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi điều kiện để bồi đắp tri thức cho mình và vận dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Như vậy mới có xã hội học tập thực sự.

Giới thiệu về Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Là Hội đặc thù, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau Hội nghị Trung ương 2 khóa 8/1996, khi nền giáo dục Việt Nam còn yếu kém, chưa đủ năng lực tiếp cận với Cách mạng 3.0, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra một gợi ý mang tính chiến lược: “Cần tổ chức một đoàn thể xã hội hoạt động hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục”. Khi triển khai nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, Hội Khuyến học dựa vào các trụ cột và phương pháp chính luận chính là Trụ cột chính trị; trụ cột tinh thần; những xu thế phát triển kinh tế tri thức, phát triển bền vững và xu thế vĩ mô của giáo dục trong thế giới hiện đại; phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn. Qua hơn 25 năm hoạt động, Hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập ở gia đình, dòng họ, cộng đồng…; vận động nhân dân tích cực học tập; xây dựng Hệ thống Hội các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội…

Xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đảm bảo chặt chẽ

Báo cáo về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị

Cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ra đời dự án Luật này dựa trên nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, trong đó mới nhất và tựu chung nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đây là Nghị quyết rất mới, quy định toàn diện về công tác Công an, trong đó có nội dung rất quan trọng là quy định rõ về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Cụ thể là “Đổi mới cơ chế phối hợp, nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng củng cố nền An ninh nhân dân (ANND), thế trận ANND, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đảm bảo thiết thực, phù hợp với sự phát triển của đất nước, với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và trên không gian mạng".

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở đảm bảo hợp lý về tổ chức; các thành viên tham gia có đủ phẩm chất, năng lực, được trang bị phương tiện, thiết bị đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Bộ Chính trị quy định rất rõ vai trò, vị trí pháp lý, chính trị của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cụ thể hoá Nghị quyết số 12” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Quang cảnh Hội nghị

Định hướng công tác tuyên truyền tại Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022); Chủ trương từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19; Tuyên truyền, quán triệt Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 15/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 13 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng: các bộ, ngành, địa phương phải luôn bám sát tình hình, thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, từng bước “bình thường hóa” với dịch bệnh Covid-19.

Tuyên truyền nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng đối với bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP), Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022;

Đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh đó, đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu cần tuyên truyền công tác chỉ đạo về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu và các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong thời gian tới./.