Cần xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút trí thức khoa học – công nghệ

Thu hút trí thức khoa học-công nghệ trong điều kiện hiện nay là khó, nên cần xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa con người Việt Nam với tinh thần đổi mới sáng tạo. Chính sách đào tạo và hỗ trợ nhân tài phải thúc đẩy hơn nữa.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh nội dung trên tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 16/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Vũ Thanh Mai; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ; Hội Xuất bản Việt Nam.

Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Nơi đây đã thu hút được 160 dự án, trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,974 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 18,1 triệu USD/01 dự án). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.

Khu Công nghệ cao xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trọng tâm giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu Công nghệ cao và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197ha là nhiệm vụ mang quan trọng, chiến lược.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Khu Công nghệ cao cần chọn được lĩnh vực mũi nhọn để tập trung phát triển. Điện tử, vi mạch bán dẫn là lĩnh vực được nhiều quốc gia phát triển quan tâm và Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cần xem đây là lĩnh vực mũi nhọn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Trung ương có 3 Nghị quyết liên quan đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học-công nghệ, thu hút nguồn nhân lực, trí thức khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Thu hút trí thức khoa học-công nghệ trong điều kiện hiện nay là khó, nên cần xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa con người Việt Nam với tinh thần đổi mới sáng tạo; chính sách đào tạo và hỗ trợ nhân tài phải thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt với các chuyên gia nước ngoài mong muốn đóng góp cho Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC).

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Đoàn công tác đến tham quan Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC). Đây là Trung tâm đào tạo điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử (Product Design), phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu./.