Cán bộ, phóng viên, biên tập viên khối báo chí xuất bản Thủ đô nghiên cứu, quán triệt cuốn sách về văn hoá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 08/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho hơn 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên khối báo chí xuất bản Thành phố.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia Sự thật quán triệt những nội dung chính cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968.

Nội dung cốt lõi của cuốn sách gồm 3 phần. Trong đó, phần thứ nhất: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc”: Gồm 19 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị công tác tư tưởng, văn hóa toàn quốc,… tập trung làm rõ nội hàm khái niệm, nội dung, mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa; khái quát những thành tựu, hạn chế, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam.

Phần thứ hai: “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”: Gồm 73 bài phát biểu, bài viết, thư,… của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa (văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; báo chí, xuất bản;…); quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa.

Phần thứ ba: “Từ luận điểm văn hóa của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”: Tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân qua nghiên cứu, học tập và triển khai cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng; xác định các giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Việc nghiên cứu, quán triệt cuốn sách giúp cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên khối báo chí xuất bản Thành phố nhận thức sâu sắc về mục tiêu, nội dung, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.