Cán bộ ngoại giao kiên định lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu cán bộ ngoại giao nắm vững lý luận và thực tiễn, giữ vững bản lĩnh, niềm tin và kiên định lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Bộ Ngoại giao vừa tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cuốn sách và một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”. Báo cáo viên tại Hội nghị là GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì Hội nghị. Đây là một trong những hoạt động sinh hoạt chính trị lớn trong năm của Bộ Ngoại giao, thu hút hơn 300 cán bộ, Đảng viên trong Bộ tham gia nghiêm túc, đầy đủ và trao đổi tích cực tại Hội nghị
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã trình bày toàn diện, phân tích sâu sắc những nội dung, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong cuốn sách và bài viết của Tổng Bí thư; nhấn mạnh cuốn sách là kết tinh trí tuệ, kế thừa tư tưởng qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng dành thời gian chia sẻ sâu rộng về các vấn đề lớn đặt ra: về chủ nghĩa xã hội và việc Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, trong đó nhận định rõ bối cảnh tình hình bên ngoài, cơ hội và thách thức đối với đất nước, xác định nền tảng và cách tiếp cận mới về tầm nhìn, mục tiêu phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh hai nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam là sự lãnh đạo của Đảng và việc lấy dân làm gốc, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh của công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí cũng chỉ ra 3 trụ cột quan trọng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với công tác đối ngoại và ngành Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định ý nghĩa, vai trò tiên phong của đối ngoại, nhấn mạnh các đặc trưng của trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường.
Đồng chí cũng dành thời gian trao đổi, giải đáp các câu hỏi của cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao về việc xác định cách tiếp cận phù hợp, hài hòa giữa đảm bảo độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; nỗ lực quảng bá mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam với các đối tác, bạn bè trong cộng đồng quốc tế; kết hợp nhuần nhuyễn giữa mục tiêu duy trì môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia…
Theo đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, những chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách và các bài viết cũng như tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (12/2021) đã được Bộ Ngoại giao tổ chức học tập nghiêm túc, trở thành kim chỉ nam để triển khai trên thực tiễn các nhiệm vụ đối ngoại trong bối cảnh thế giới có những biến động rất phức tạp và khó lường thời gian qua.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu cán bộ ngoại giao nghiêm túc học tập, quán triệt để nắm vững lý luận và thực tiễn, giữ vững bản lĩnh, niềm tin và kiên định lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước./.