Vai trò của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay
Sáng 26/8, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay”.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia bàn thảo sâu sắc và cụ thể hơn về vai trò, tầm quan trọng của mạng xã hội nói chung và trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, Hội thảo cũng nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của công tác sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở nước ta thời gian qua. Từ đó, xác định những vấn đề cần tập trung giải quyết, những yếu tố tác động và tìm ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.
Ban tổ chức đã nhận được 101 bài tham luận từ các nhà lãnh đạo, quản lý ở trung ương và địa phương, các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội và những vấn đề đặt ra đối với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vấn đề tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cũng như những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị…
Các tham luận nhấn mạnh cần xem xét, vận dụng những lợi thế của mạng xã hội, khắc phục thách thức mà mạng xã hội đặt ra, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội ở Việt Nam.
Một số đề xuất, kiến nghị nổi bật như: đưa tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, tuyên truyền, phổ biến lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, tạo ra phong trào ứng xử văn hóa trên mạng xã hội; xác định mạng xã hội là một kênh, công cụ quan trọng để theo dõi, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền chính trị cho phù hợp với các đối tượng quần chúng trên mạng xã hội…