Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống để khẳng định vị thế và uy tín

Được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các toà soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngày 21/9, tại tỉnh Bình Thuận đã diễn ra chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề "Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống?" do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.

Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận; Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự diễn đàn có gần 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo trên cả nước.

Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 có 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề “Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng”; Phiên thứ hai có chủ đề “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?”.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận vinh hạnh được lựa là nơi tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là  “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí Truyền thống”. Đây cũng là vấn đề được Thường trực Tỉnh uỷ Bình Thuận rất quan tâm khi địa phương đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới. Diễn đàn cũng là một hoạt động có ý nghĩa hết sâu sắc với đời sống báo chí trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025)”,

Phát biểu mở đầu Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí truyền thống đang bị thách thức trước sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới. Do đó, báo chí truyền thống cần có sự đổi mới để phù hợp với sự phát triển của AI.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng những thông tin tiêu cực dường như 'trở thành ADN của báo chí". Theo đó, những bài viết về thảm kịch đối với con người như thiên tai và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày. Mối quan tâm đến tin tức dựa trên sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm vào năm 2020, khi các cơ quan báo chí trên thế giới chứng kiến số lượng trả phí đọc báo điện tử và tiêu dùng nội dung tăng vọt trong đại dịch COVID-19. "Tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo, nhưng nó cũng gây tác động có hại với độc giả, như sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi. Hậu quả, độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brasil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ 2017", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khi niềm tin với truyền thông bị xói mòn và xảy ra tình trạng né tránh tin tức, thì cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do, đưa ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị xem là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức đưa tin mà không làm độc giả xa lánh. Do đó, hướng đi của hiện nay phải là báo chí xây dựng, báo chí có giải pháp. Báo chí đưa tin thì cũng phải có đề xuất giải pháp hoặc luận giải để mang lại niềm hi vọng cho độc giả.

Báo chí giải pháp hiện là một xu hướng tích cực và phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, báo chí giải pháp như một hướng đi cho báo chí truyền thống để khẳng định vị thế và uy tín cũng như giữ chân công chúng của mình.

Đồng chí Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh: Báo chí thế giới bây giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo phê phán, chỉ trích hay bám lấy khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất thông tin giật gân như trước. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới thử nghiệm, nghiên cứu và thấy rằng những thông tin tiêu cực có tác dụng cảnh báo xã hội nhưng nó cũng gây tác động có hại với độc giả. Các nghiên cứu của báo chí châu Âu và Mỹ chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của độc giả, thúc đẩy con người có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, qua đó khích lệ độc giả tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập như một sự kiện thường niên và đây là lần thứ 6 ông tham dự Diễn đàn. Nhiều vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực báo chí đã được các kỳ Diễn đàn chọn làm vấn đề để đưa ra thảo luận, giúp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan Nhà nước nhìn nhận, rà soát để sửa đổi chính sách, giúp báo chí phát triển.

Hiện nay, ngoài báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo hay báo chí xây dựng cần cân bằng giữa thông tin xây dựng và phản biện đa chiều để tạo ra thông tin tích cực. Các phòng sự điều tra của các phóng viên phanh phui các tiêu cực, qua đó còn tạo ra được giải pháp, lý giải các bất cập một cách xây dựng để tạo ra thông tin tích cực cho xã hội.

Thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn. 

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng muốn tìm giải pháp cho báo chí truyền thống, vấn đề quan trọng vẫn là yếu tố con người. Do đó, các tờ báo cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại phóng viên. "Muốn có giải pháp cho báo chí cần có giải pháp cho chính mình trước". Đồng chí cho rằng báo chí giải pháp chính là phải chú trọng truyền thông chính sách, giảm bớt những thông tin tiêu cực, tác động xấu đến xã hội.

Quang cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập 2024.

Tại Diễn đàn, những trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ cùng những đề xuất, giải pháp được gợi mở sẽ góp phần định hình hình rõ hơn xu hướng báo chí giải pháp tại Việt Nam, từ đó giúp các toà soạn có cách làm phù hợp hơn trong thực tế hoạt động báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số, mang đến thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình phát triển của báo chí nước nhà trước thềm kỉ niệm 100 năm ngày thành lập báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong khu‏‏ô‏‏n kh‏‏ổ‏‏ ch‏‏ươ‏‏ng tr‏‏ì‏‏nh, c‏‏á‏‏c ‏‏đạ‏‏i bi‏‏ể‏‏u tham d‏‏ự Diễn đành đã ‏‏quy‏‏ê‏‏n g‏‏ó‏‏p cho ‏‏“‏‏Qu‏‏ỹ ướ‏‏c m‏‏ơ ‏‏xanh‏‏” ‏‏h‏‏ướ‏‏ng v‏‏ề đồ‏‏ng b‏‏à‏‏o c‏‏á‏‏c t‏‏ỉ‏‏nh mi‏‏ề‏‏n B‏‏ắ‏‏c ch‏‏ị‏‏u thi‏‏ệ‏‏t h‏‏ạ‏‏i do b‏‏ã‏‏o l‏‏ũ‏‏.‏/.