Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn
Trước yêu cầu phải đổi mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn.
Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023.
Tới dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các bộ, ban, ngành đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cùng nhiều nhà báo lão thành.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, đại diện cơ quan báo chí đăng cai tổ chức Hội nghị, bày tỏ vui mừng được đón tiếp đại diện các cơ quan báo chí theo thông lệ thường niên.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển 72 năm, báo Nhân Dân đã đạt những kết quả ngoạn mục. Tuy nhiên, trong dòng chảy báo chí nói chung, báo Nhân Dân cần phải tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phát hành thông tin trên nhiều nền tảng, đặc biệt là nền tảng số. Những kết quả thời gian qua chỉ là những bước đi đầu tiên.
Ở góc độ Hội Nhà báo, đồng chí Lê Quốc Minh mong muốn các cơ quan báo chí sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong năm 2023. Trong khó khăn chung của đất nước, các bài viết trên các loại hình báo chí, bên cạnh việc phản ánh trung thực, cũng cần tạo ra sự hứng khởi, thái độ tích cực để cả đất nước cùng vượt qua khó khăn, hướng tới những thành công trong tương lai.
Tại giao ban báo chí, các đại biểu đã nghe đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) báo cáo công tác báo chí xuân Quý Mão, điểm lại những chủ đề lớn đã được các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua. Đại diện Bộ Ngoại giao thông tin về hoạt động đối ngoại của đất nước trong thời gian tới. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Phát biểu định hướng báo chí tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích rất đáng tự hào, những nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong năm qua của các cơ quan báo chí. Đặc biệt, những ngày Tết Quý Mão vừa qua, các cơ quan báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình và báo điện tử đã duy trì, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phản ánh kịp thời, sinh động không khí mừng Đảng 93 năm, đón Tết vui xuân phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, gắn với các nội dung, chủ đề về mùa xuân đất nước, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; biểu dương tinh thần lao động tích cực của cán bộ, công nhân, lao động trên các công trường trọng điểm; phản ảnh tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ đất nước của quân và dân ta nơi biên cương, hải đảo; biểu dương, cổ vũ những việc làm tốt vì cộng đồng và xã hội; phản ảnh tình cảm hướng về quê hương, Tổ quốc của những người con đất Việt xa quê…
Nêu các nhiệm vụ, phương hướng trong năm 2023, đồng chí Lại Xuân Môn lưu ý, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, những người làm báo cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang và sứ mệnh lớn lao của báo chí cách mạnh đối với tương lai đất nước; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; kiên quyết khắc phục, chấn chỉnh những hạn thế, thiếu sót đã được chỉ ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc; chủ động, sáng tạo thông tin, tuyên truyền một cách toàn diện, sâu sắc, trung thực, kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước.
Báo chí cần nêu cao ngọn cờ tiên phong trong công tác tuyên giáo của Đảng; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và trước Nhân dân, tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc, toàn diện tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, đất nước. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch, chương trình, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để tổ chức thiết thực, trang trọng các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giao ban báo chí không chỉ là một hoạt động truyền thống hằng năm, mà còn là cơ chế hết sức quan trọng để các cơ quan báo chí đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thông qua các định hướng được đưa ra tại Hội nghị.
Trước yêu cầu phải đổi mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Phó Thủ tướng yêu cầu báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ đưa tin phản ánh đơn thuần, mà cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà công nghệ và nhà chuyển đổi số. Bên cạnh việc phản ánh về thông tin, các cơ quan báo chí có thể khái quát, đưa ra vấn đề, từ đó đề xuất để Chính phủ có những phản ứng kịp thời về mặt chính sách.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình, ngày càng phải xây dựng được những tác phẩm, ấn phẩm đa phương tiện để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những nhà quản lý cũng như mỗi người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, trong đó Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ chung là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là sự kiện pháp lý trọng tâm của Quốc hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến nhân dân về dự án luật và phản hồi ý kiến của nhân dân một cách hiệu quả, chính xác, để có thể xây dựng được một đạo luật mang tính kinh tế, chính trị, xã hội, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, trở thành nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.