Xung đột tại Sudan: Hơn một nửa dân số cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo
Cuộc xung đột tại Sudan đã khiến hơn 11 triệu người phải di dời khỏi nơi sinh sống và 15 triệu trong số 25 triệu người dân của quốc gia châu Phi này cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 5/2, quyền Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Sudan Graham Abdel-Qadir cho biết số người phải di dời ở nước này do xung đột đang diễn ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã vượt quá 11 triệu người, chủ yếu đến từ các bang Khartoum, Gezira và Darfur, trong đó có 4 triệu phụ nữ và 3 triệu trẻ em.
Ông Abdel-Qadir nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Sudan trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người cần giúp đỡ, thông qua các thủ tục và thỏa thuận đảm bảo chủ quyền của đất nước.
Sudan đã chứng kiến các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa SAF và RSF kể từ ngày 15/4/2023. Theo ước tính trong báo cáo được Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố vào tuần trước, hơn 13.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc giao tranh này nổ ra.
Cùng ngày, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết tổ chức này đang chuẩn bị kế hoạch tiếp cận 15 triệu trong số 25 triệu người cần được viện trợ tại Sudan.
Theo ông Dujarric, sau gần 10 tháng xung đột, hơn một nửa dân số Sudan, khoảng 25 triệu người, cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo.
Ngoài ra, xung đột cũng đã buộc hơn 1,5 triệu người phải chạy trốn qua biên giới để đến các quốc gia vốn đang phải tiếp nhận đông người tị nạn.
Cũng theo ông Dujarric, Kế hoạch Ứng phó nhân đạo cho Sudan do Liên hợp quốc điều phối nhằm mục đích tiếp cận gần 15 triệu người dân nước này trong năm nay, trong khi Kế hoạch Ứng phó dành cho người tị nạn trong khu vực nhằm hỗ trợ gần 2,7 triệu người tại 5 quốc gia láng giềng của Sudan./.