Xung đột Nga-Ukraine: Đàm phán có thể diễn ra và cơ bản ngã ngũ trong 2025

Khả năng Nga và Ukraine chấp thuận ngồi vào bàn đám phán phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi trong các điều kiện và lập trường của cả hai bên, cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba.

Binh sỹ Ukraine tham gia buổi huấn luyện ở ngoại ô Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã qua 1.000 ngày và gần bước sang năm thứ tư mà vẫn cho có dấu hiệu sắp kết thúc.

Năm 2024 chứng kiến sự thay đổi chiến lược từ cả hai bên, với không ít diễn biến mang tính bước ngoặt.

Giai đoạn đầu năm, Nga tiếp tục duy trì chiến lược tiêu hao dài hạn, kết hợp tăng cường binh lực và sản xuất vũ khí để củng cố các vị trí tại miền Đông và Nam Ukraine. Các khu vực giao tranh chủ yếu vẫn tập trung tại Donbass và các thành phố chiến lược gần Biển Đen.

Đầu tháng 5, quân đội Nga tiến hành một cuộc tấn công bằng xe bọc thép tại tỉnh Kharkov, phía Đông Bắc Ukraine, mở ra một mặt trận mới. Trong khi đó, Ukraine chuyển hướng sang phòng thủ để bảo toàn nguồn lực khi lực lượng quân sự ngày càng suy kiệt.

Đầu tháng 8, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga gần biên giới. Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất của quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Việc Ukraine kiểm soát một số khu vực tại biên giới Nga đã giúp củng cố lại nhuệ khí chiến đấu của quân đội Ukraine. Dù vậy, chiến dịch này đã không thành công kéo giãn lực lượng Nga khỏi miền Đông Ukraine. Nga tiếp tục giành những bước tiến chậm nhưng chắc ở vùng Donetsk.

Đến tháng 9, Nga đã phát động cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk, nhanh chóng tuyên bố chiếm lại khoảng 63 km 2 lãnh thổ.

Một nguồn tin quân sự cấp cao của Ukraine cho biết, đến cuối tháng 11, Kiev đã mất hơn 40% diện tích lãnh thổ mà họ chiếm được tại tỉnh Kursk.

Tháng 11 khởi đầu với tin tức ông Donald Trump, người từng nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ của phương Tây cho Ukraine, đắc cử tổng thống Mỹ. Tiếp đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất - bao gồm cả Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS), để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hành pháp sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga, hạ thấp ngưỡng triển khai vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả để đối phó với một loạt mối đe dọa thông thường. Đồng thời, Nga cũng lần đầu tiên sử dụng tên lửa Oreshnik để tấn công vào thành phố Dnipro ở miền Đông Ukraine.

Cuối tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên để ngỏ khả năng Kiev có thể ngừng bắn với Nga nếu được đặt dưới sự bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Moskva nhấn mạnh lập trường chỉ đàm phán với chính quyền Tổng thống Zelensky nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi các khu vực do Nga kiểm soát.

Khi được hỏi sẽ dùng cụm từ nào để mô tả cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2024, ông Anton Bredikhin - Chuyên gia cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, nhắc tới "cuộc chiến lồng ghép," hay là "cuộc chiến ủy nhiệm." Tức là cuộc xung đột ở đây không phải giữa Nga và Ukraine, mà là giữa Nga và phương Tây, và mọi thứ diễn ra trên chiến tuyến giữa quân đội Nga và Ukraine là cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Nga với quân đội châu Âu và Mỹ.

Việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí Mỹ, Anh và Pháp “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, được nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo là không đủ để thay đổi tình hình xung đột, thậm chí khiến cuộc chiến càng thêm phức tạp và rủi ro cao.

Về phía Nga, Điện Kremlin khẳng định các quyết định gửi thêm vũ khí sẽ chỉ kéo dài cuộc đối đầu quân sự, gây ra nhiều thương vong và tàn phá hơn.

Vai trò của Mỹ và phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine là yếu tố then chốt quyết định diễn biến xung đột trong thời gian tới. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược của Ukraine. Với việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng, viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể bị cắt giảm, buộc chính quyền Kiev phải tính đến các giải pháp đàm phán với Nga.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đối mặt với nhiều thách thức khi duy trì hỗ trợ Ukraine. Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu thể hiện sự mệt mỏi với cuộc chiến, trong khi các nguồn viện trợ quân sự không thể đáp ứng tốc độ sử dụng của Ukraine.

Năm 2024 chứng kiến chiến thuật "miệng hố chiến tranh" của cả Nga và phương Tây khi cảnh báo nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ ba, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Mục đích của Tổng thống Volodymyr Zelensky là lôi kéo NATO và phương Tây can dự sâu hơn, viện trợ nhiều hơn, với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ Nga đối với an ninh châu Âu và Mỹ. Đồng thời, ông cũng muốn chứng tỏ việc NATO kết nạp Kiev là nhu cầu cấp thiết.

Cờ của Ukraine và biểu tưởng của NATO. (Nguồn: Reuters)

Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chiến tranh để răn đe NATO chớ can dự trực tiếp, sâu hơn vào xung đột ở Ukraine. Thực tế, tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, nguy cơ cuộc chiến hạt nhân là yếu tố buộc "những cái đầu nóng” phải cân nhắc thận trọng, tìm kiếm giải pháp dự phòng, trong đó có phương án đàm phán.

Xung đột kéo dài tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy về con người, kinh tế, từ giá năng lượng tăng cao đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Nga và Ukraine đều chịu tổn thất nặng nề trên nhiều phương diện, trong khi các quốc gia phương Tây phải đối mặt với sức ép từ chi phí hỗ trợ quân sự và nhân đạo.

Chính quyền Mỹ đang nghiêng dần về phương án hối thúc Ukraine đàm phán với Nga và chấp nhận thực tế mới trên chiến trường. Nếu viện trợ quân sự và tài chính mà Mỹ và phương Tây rót cho Ukraine giảm sút, nước này có thể buộc phải chấp nhận nhượng bộ để đạt được hòa bình. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày càng chịu áp lực rất lớn.

Từ lập trường cứng rắn đòi giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, ông Zelensky giờ đây gợi ý khả năng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, với điều kiện "phần còn lại của Ukraine được NATO bảo vệ." Việc chuyển hướng trên phản ánh sự mệt mỏi gia tăng trong xã hội Ukraine, khi ngày càng có nhiều người bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột.

Giới chức Nga cũng tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Diễn biến xung đột căng thẳng, phức tạp, nhưng vẫn còn "khe cửa hẹp" cho đàm phán. Một số dự báo lạc quan cho rằng đàm phán có thể diễn ra và cơ bản ngã ngũ trong năm 2025. Vấn đề chính, gai góc nhất là điều kiện tiên quyết của các bên.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc đạt được hòa bình sẽ rất phức tạp do lợi ích và điều kiện của các bên. Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng chỉ trên các điều kiện như công nhận lãnh thổ mà Nga kiểm soát, Ukraine từ bỏ hoàn toàn ý định gia nhập NATO và không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.

Một số quốc gia châu Âu dường như đã bắt đầu xem xét khả năng ngừng bắn dựa trên các đường ranh giới hiện tại, đồng thời cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine vẫn khẳng định không nhượng bộ lãnh thổ và cho rằng các điều kiện của Nga là không chấp nhận được.

Khả năng Nga và Ukraine chấp thuận ngồi vào bàn đám phán phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi trong các điều kiện và lập trường của cả hai bên, cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba như Trung Quốc hoặc Mỹ. Dù triển vọng đàm phán vẫn rất mờ mịt, nhưng có vẻ cả Nga và Ukraine đều nhận thấy đã đến lúc cần phải tìm cách "lách qua khe cửa hẹp" để đạt được một thỏa thuận./.