Xung đột Israel-Hamas: Các nước nỗ lực kêu gọi giảm căng thẳng

Phong trào Hamas đã thả thêm 2 con tin người Israel là phụ nữ lớn tuổi, Slovenia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo là những thông tin đáng chú ý về xung đột Israel-Hamas gần đây.

Tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah ở Dải Gaza, ngày 21/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phong trào Hamas đã thả thêm 2 con tin người Israel là phụ nữ lớn tuổi, Slovenia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, Thái Lan kêu gọi công dân rời Israel, đó là những thông tin đáng chú ý về xung đột Israel-Hamas gần đây.

Thêm 2 con tin người Israel được trả tự do

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn nguồn hãng thông tấn MENA của Ai Cập ngày 23/10 cho biết Phong trào Hamas đã thả thêm 2 con tin người Israel là phụ nữ lớn tuổi và 2 người này đã tới cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập.

2 phụ nữ Israel đã được trả tự do thông qua nỗ lực hòa giải tích cực của Ai Cập.

Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) thông báo đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm đưa 2 con tin người Israel nói trên ra khỏi Dải Gaza.

[Xung đột Hamas-Israel: Xe thiết giáp Israel đột kích vào Dải Gaza]

ICRC cũng nhấn mạnh “sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho bất kỳ đợt thả con tin nào trong tương lai” và bày tỏ hy vọng rằng những người được trả tự do sẽ sớm gặp lại gia đình của mình.

Trước đó vào tối 20/10, Hamas đã trả tự do cho 2 con tin mang quốc tịch Mỹ.

Israel xác nhận có hơn 200 con tin đang bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza, sau cuộc tấn công của phong trào này vào các thành phố Israel ngày 7/10.

Slovenia kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, Ai Cập và Malaysia bày tỏ quan ngại

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, Ngoại trưởng Slovenia Tanja Fajon ngày 23/10 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần đảm bảo ngừng bắn ở Dải Gaza để không có thêm bất kỳ một thường dân nào bị sát hại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng viện trợ.

Phát biểu tại hội nghị Ngoại trưởng EU ở Luxembourg, Ngoại trưởng Fajon nhấn mạnh rằng không nên để xung đột lan ra khu vực.

Bà cũng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, đồng thời bày tỏ quan tâm đến nhu cầu hàng trăm xe chở nước và thực phẩm mỗi ngày của người dân tại Dải Gaza.

Theo Ngoại trưởng Fajon, hành động của các bên “nên được thực hiện trong khuôn khổ luật nhân đạo quốc tế”. Bà cũng khẳng định Slovenia ủng hộ mọi nỗ lực để đạt được hòa bình.

Trong một diễn biến khác có liên quan, hãng tin Tân Hoa Xã cùng ngày cho biết, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian đã thảo luận về tình hình chính trị và chiến sự tại Palestine, cuộc tấn công của Israel vào Gaza với thủ lĩnh Hamas và Phong trào Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ).

Ngoại trưởng Iran cũng kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho khu vực này qua cửa khẩu Rafah.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 23/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (đang ở thăm Cairo) khẳng định cuộc xung đột tại Gaza hiện nay đòi hỏi các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng tới giải pháp hai nhà nước cũng như bảo vệ các quyền chính đáng của người dân Palestine, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập, trong cuộc gặp, Tổng thống El-Sisi đã thảo luận với Thủ tướng Anwar Ibrahim về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Cairo vừa diễn ra hôm 21/10, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về sự cần thiết phải phối hợp các nỗ lực nhằm giảm leo thang xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas cũng như bảo vệ người dân Palestine.

Xe chở hàng viện trợ tới Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 22/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ông El-Sisi và ông Ibrahim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo liên tục, an toàn và nhanh chóng cho người dân Gaza.

Tổng thống El-Sisi và Thủ tướng Ibrahim cũng đã thảo luận các vấn đề quan trọng trong khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề chống khủng bố.

Về phần mình, Thủ tướng Ibrahim khẳng định Malaysia kiên quyết phản đối việc ép buộc di dời người Palestine ra khỏi Gaza, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực hiện nay trong khu vực.

Thủ tướng Malaysia đánh giá cao các nỗ lực của Ai Cập trong vấn đề này. Ông Ibrahim đã đến Ai Cập từ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/10, như một phần trong chuyến công du Trung Đông.

Trước đó, nhà lãnh đạo Malaysia đã đến thăm Saudi Arabia, nơi ông tham dự Hội nghị cấp cao giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vài ngày trước.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và an ninh lương thực. Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia ở châu Phi, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,08 tỷ USD vào năm 2022, tăng 24,8% so với năm 2021.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi toàn bộ lao động nước này sớm rời Israel

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 23/10 đã khẩn thiết kêu gọi tất cả lao động Thái Lan rời khỏi Israel, cảnh báo rằng xung đột có thể sẽ lan rộng và leo thang, các trận chiến trên bộ trong tương lai sẽ cản trở nỗ lực sơ tán.

Ông Srettha đưa ra lời kêu gọi này sau cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao về tình hình ở Israel và Dải Gaza của Palestine.

Ông cho biết tất cả các cơ quan quân sự, ngoại giao và an ninh đều xác nhận rằng tình hình xung đột vẫn chưa hạ nhiệt, có khả năng leo thang và mở rộng sang các nước lân cận. Theo nhà lãnh đạo Thái Lan, đây là điều thực sự đáng lo ngại.

Lo ngại rằng khi trận chiến trên bộ bắt đầu sẽ khiến việc sơ tán khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng Srettha kêu gọi tất cả công dân Thái Lan hãy trở về vì tính mạng và sự an toàn của bản thân, đồng thời kêu gọi người thân của họ ở quê nhà thuyết phục con em mình rời Israel khi còn có thể.

Ông Srettha đã yêu cầu các quan chức tăng ưu đãi tiền mặt cho những người trở về từ mức 15.000 baht/tháng (412,5 USD/tháng) và đảm bảo họ có việc làm khi trở về.

Bên cạnh đó, ông Srettha cũng nhấn mạnh chính phủ đang nỗ lực hết sức để những công dân Thái Lan bị bắt cóc sớm được trả tự do.

Khi tham dự Hội nghị cấp cao Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Riyadh, Saudi Arabia vào cuối tuần trước, Thủ tướng Thái Lan cho biết ông đã thảo luận về số phận của những công dân Thái Lan bị cầm giữ với người đồng cấp Malaysia, các quốc vương của Oman và Bahrain, cũng như Thái tử Saudi Arabia.

Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 30.000 lao động Thái Lan làm việc ở Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trước thời điểm xung đột nổ ra vào ngày 7/10. Hiện mới có khoảng gần 9.000 người đăng ký về nước và khoảng 3.000 người trong số đăng ký đã về đến quê nhà.

Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Jakkapong Sangmanee cho biết chính phủ sẽ sắp xếp thêm các chuyến bay với các hãng hàng không để đẩy nhanh quá trình sơ tán. Ông cũng nói rằng phía Israel đã xác nhận người lao động Thái Lan sẽ được chào đón trở lại Israel sau khi tình hình yên ổn.

Trong khi đó, Bộ Lao động Thái Lan khẳng định sẽ cố gắng thuyết phục người sử dụng lao động ở Israel không trì hoãn việc trả lương để giữ chân người lao động Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)