Xung đột Hamas-Israel: Trung Quốc kêu gọi HĐBA ngăn chặn giao tranh
Theo Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an cần sử dụng "ngôn từ rõ ràng và dứt khoát nhằm yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức."
Ngày 24/10, Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân, đã kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn toàn diện, đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo và dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza.
Phát biểu tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đề mục “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine," ông Trương Quân nhấn mạnh "phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và đây cũng là lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cũng như của cộng đồng quốc tế.
Theo ông Trương Quân, trong bối cảnh có quá nhiều lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Hội đồng Bảo an cần sử dụng "ngôn từ rõ ràng và dứt khoát nhằm yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức."
[Xung đột Hamas-Israel: LHQ kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức]
Ông Trương Quân cho rằng việc để xung đột ở Gaza kéo dài và leo thang có thể dẫn tới một thảm họa "nhấn chìm toàn bộ khu vực, dập tắt hoàn toàn triển vọng về giải pháp 2 nhà nước, cũng như đẩy người dân Palestine và Israel vào vòng luẩn quẩn hận thù và đối đầu liên miên."
Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc còn nhấn mạnh thực trạng tại Gaza, theo đó vùng lãnh thổ này hoàn toàn không có điện trong 15 ngày liên tiếp, trong khi nguồn cung cấp nhiên liệu và nước bị cắt, các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men sắp cạn kiệt.
Ông Trương Quân đánh giá cao nỗ lực của các nước trong khu vực, cũng như của Tổng thư ký Liên hợp quốc trong việc mở hành lang nhân đạo, song lượng hàng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza hiện chỉ "như muối bỏ bể" và việc vận chuyển chỉ thông qua cửa khẩu duy nhất là Rafah không thể "đáp ứng nhu cầu nhân đạo cơ bản của người dân Gaza."
Do đó, Hội đồng Bảo an cần yêu cầu "dỡ bỏ ngay lập tức phong tỏa Dải Gaza, khôi phục việc cung cấp điện, nước nhiên liệu" thông qua những điều khoản rõ ràng nhất có thể.
Trong bối cảnh cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas gây ra thương vong lớn cho dân thường, Hội đồng Bảo an cần kiên quyết bảo vệ nguyên tắc luật pháp quốc tế, lên án mọi hành vi bạo lực và tấn công nhằm vào dân thường.
Trung Quốc kêu gọi các nỗ lực ngoại giao để thả con tin ngay lập tức, đồng thời cho rằng cách tiếp cận cơ bản để giải quyết xung đột là giải pháp hai nhà nước.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Soukry tiếp tục lên án các hành động tấn công nhằm vào dân thường, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an đảm nhận trách nhiệm trong việc ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza, cũng như thiết lập lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và lâu dài."
Phát biểu trong cuộc họp báo do Ngoại trưởng các nước Arab tổ chức bên lề cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Soukry cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng và nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn mọi hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cũng phản đối các nỗ lực nhằm di dời người Palestine ở Dải Gaza.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các nhà trung gian Qatar đang tiếp tục hối thúc Hamas nhanh chóng thả những người bắt giữ, trong đó ưu tiên phụ nữ và trẻ em, mà không cần phải chờ phía Israel nhượng bộ trước.
Qatar đang tích cực phối hợp với Mỹ trong các cuộc đàm phán với Hamas và giới chức Israel về việc phóng thích hơn 200 người bị Hamas bắt giữ từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Tính đến nay, Hamas đã trả tự do cho 4 người.
Cùng ngày, Quốc vương Qatar, ông Tamim bin Hamad Al Thani kêu gọi các nỗ lực của khu vực nhằm chấm dứt xung đột Hamas-Israel.
Tại cuộc họp Hội đồng Shura (tức Quốc hội), Quốc vương Al Thani nhấn mạnh việc cắt nguồn cung nước, lượng thực và thuốc men không thể được coi là vũ khí, chống lại toàn bộ người dân. Quốc vương Qatar khẳng định “cách duy nhất để đảm bảo an ninh và ổn định cho cả hai dân tộc là đảm bảo người Palestine được thực hiện các quyền chính đáng của mình đã được các tổ chức quốc tế công nhận, trong đó có quyền thành lập một nhà nước độc lập của mình bên trong đường biên giới đã xác định năm 1967”./.